EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN15G- LANGUAGE AND CULTURE - PHAN THỊ BÍCH NGỌC- 12.09.2010

Go down

TN15G- LANGUAGE AND CULTURE - PHAN THỊ BÍCH NGỌC- 12.09.2010 Empty TN15G- LANGUAGE AND CULTURE - PHAN THỊ BÍCH NGỌC- 12.09.2010

Bài gửi  jade phan Fri Sep 17, 2010 10:36 pm

Thầy!
Tôi vẫn nhớ, những quy tắc trong lớp học của chúng ta, bắt đầu từ cách xưng hô: tôi và quý vị! Tôi hiểu và tôi đồng ý với ý nghĩa đằng sau quy tắc đó! Nhưng xin được mạn phép, chỉ trong nội dung bài báo cáo này, cho tôi được gọi một tiếng thầy, xưng em. Bởi đây hoàn toàn không phải là một bài báo cáo truyền thống như của các anh chị TC trước mà tôi đã có dịp được đọc qua, đây đơn giản chỉ là tất cả những gì thuộc về cảm nhận của tôi, những thứ tôi đã học được sau 1 chuyến đi dài và 2 bài language and culture nữa. Những bài học nhỏ, và tôi lớn!
Một lần nữa, thầy thân!
Em sẽ không trình bày về những tác phong giao tiếp, những quy tắc ngoại giao, những kỹ năng thuyết trình, những định nghĩa về ngôn ngữ và văn hóa, những gì thầy đã giảng, những phong tục, hình thái giao tiếp kỳ lạ, những vùng miền thầy đã đi qua, những cái mà em nghĩ, không chỉ riêng em, tất cả mọi người trong chuyến đi hôm ấy đã được học. Những thứ đó, em cất ở một nơi gọi là “sinh viên nhưng không suy nghĩ và hành xử như một sinh viên”. Một lúc nào đó, trong một dịp nào đó, khi thầy có thể vô tình quan sát em và trong từng tác phong em thể hiện ra bên ngoài, em nghĩ, thầy sẽ hiểu! Em chỉ muốn kể về một sự lớn hơn, một mầm cây non đã nảy trong tâm hồn em, và những bài học em thu nhận được sau chuyến đi này.
Em hoàn thành bài báo cáo này vào một giờ rất muộn, những dư âm của ngày đầu tiên bước sang tuổi 22 có lẽ vẫn chưa phai. Hôm nay là 1 sinh nhật thật sự ý nghĩa. Người ta sẽ làm gì vào dịp sinh nhật? Tụ tập bạn bè, hát kara, đi chơi xa? Em chỉ muốn ở một mình, đi một nơi mình thích, làm những thứ mình muốn, dù có bất bình thường, có thể hơi điên rồ? Cái kế hoạch đi đến một ngôi chùa thanh tịnh, ngồi thiền trà nghĩ về những việc đã qua cuối cùng phá sản vì buổi học với Eas. Em có hậm hực không? Một chút thôi, ai mà chẳng có những kế hoạch đã lên lịch và cần phải được hoàn thành? 22 tuổi, em đã sống rất rất nhiều tháng ngày phù phiếm! Khi em chợt tỉnh ra, em mua một cuốn sổ, viết vào đấy những nơi cần đến, những việc cần làm. Bảo tàng dân tộc học là một trong những nơi em cần phải đến. Eas là một trong những việc em cần phải làm. Vì thế, em đã không hậm hực.
Chia sẻ với thầy, em đến với ngôn ngữ một cách rất đơn giản. Đó là công cụ để em giao tiếp hàng ngày, gặp một người bạn, mua một món đồ, gọi một cú điện thoại… Hay như tiếng Anh, cho em cơ hội làm việc tốt hơn trong tương lai, còn tiếng Nhật, là niềm đam mê muốn khẳng định mình. Chỉ đơn giản là vậy. Một thứ công cụ cho cuộc sống của em như trăm ngàn thứ công cụ em cần để tồn tại trong cuộc sống này. Ai cũng cần và ai cũng có. Như những chiếc mặt nạ, một gánh hành lý oằn vai, những bí mật sâu kín… Còn văn hóa? Với em. Chỉ đơn giản là đừng làm gì “ vô văn hóa”, nói lời hay chữ đẹp, những câu từ với ý nghĩa sâu xa, thâm thúy, đó là văn hóa. Còn cái gì là vô văn hóa, em cũng không định nghĩa được.
Nhưng sau hôm nay, em đã hiểu ra rằng, ngôn ngữ là văn hóa, chính xác hơn, là một phần nổi của tảng băng chìm văn hóa. Ngôn ngữ là biểu hiện bên ngoài, và không phải thứ mà ai cũng có, càng không phải cứ là một con người trưởng thành, biết đọc, biết viết, có bằng cấp hay có địa vị thì sẽ có ngôn ngữ. Một câu chửi thề trên phố, một lời lăng mạ, một câu nói tục tĩu, đó có phải là ngôn ngữ không? Có thể, nhưng là ở một thế giới khác, không phải trên trái đất văn minh này. Bởi “ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu nhiều tầng, được người bản ngữ chấp nhận, ghi nhớ, hiểu và sử dụng trong khi giao tiếp với cộng đồng”. Và sẽ khủng khiếp làm sao nếu tất cả những người bản ngữ đều chấp nhận thứ ngôn ngữ ấy.
Sau hôm nay, em cũng đã giải đáp được câu hỏi em thắc mắc từ rất lâu, xem bao nhiêu chương trình discorvery vẫn chưa dám khẳng định, hóa ra, các nhà khoa học nói đúng: động vật cũng có ngôn ngữ. Em còn nhớ câu chuyện “ tình yêu chim yến” rất nổi tiếng trên một tờ báo Pháp. Có nàng chim yến nọ bị xe tải đâm và ngã lăn trên đường. Chàng chim yến cất tiếng hót khóc than rồi bay đi kiếm mồi về mớm vào miệng nàng như một cách để an ủi và xoa dịu nỗi đau. Lần thứ hai, khi chàng bay đi kiếm mồi về thì nàng đã chết. Chàng cứ đứng mãi bên cạnh xác của nàng mà cất những tiếng hót đau đớn xé lòng. Hàng trăm ngàn người đã rơi nước mắt trước câu chuyện tình yêu cảm động ấy. Hay như câu chuyện về vợ chồng thiên nga, khi con cái chết, con đực cũng đau buồn và rồi chết theo, không bao giờ tìm kiếm bạn tình khác. Có lẽ sẽ chỉ có 1 con thiên nga duy nhất trong hàng trăm vạn con thiên nga, hiểu được ngôn ngữ cuả con còn lại chăng? Một loại ngôn ngữ mà chúng ta vẫn hay gọi là, ngôn ngữ của tình yêu.
Và không chỉ dừng lại ở phạm trù ngôn ngữ, đó có phải là văn hóa? Văn hóa khi yêu. Rằng, khi đã yêu ai thì hãy luôn hết lòng, đừng sợ ai đó yêu mình không đủ nhiều, hãy sợ mình không có đủ yêu thương để đón nhận họ, dù thế nào đi nữa. Vâng, dù thế nào đi nữa. Bởi yêu thương, nào có phải một phép toán để mà cho đi nhận lại bao giờ? Chân lý này, em đã ngộ ra vào ngày mình 22 tuổi, khi say sưa ngồi trong rạp Ngọc Khánh xem “ Binh đoàn lính đánh thuê”. Rằng, giữa đạn bom và máu lửa, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, tình yêu vẫn tồn tại, như bông hoa dại, càng bị vùi dập càng vươn mình rực rỡ. Rằng, tình yêu có ngôn ngữ riêng, và tình yêu cũng cần văn hóa, dù bạn là người, hay đơn giản như chú chó nhỏ nhà bạn đang yêu. Nếu đúng có một thứ gọi là văn hóa tình yêu như thế tồn tại ở trên đời, trong thầy, trong em, trong các bạn, những người đang yêu hay sẽ yêu, thì có phải sẽ không có những mái âm tan vỡ vì một người ngoài cuộc, không có những người vợ, người chồng cô đơn, lỡ dở cuộc hành trình, không có phiên tòa tử hình kẻ giết cha vì không chịu nổi địa ngục – gia đình cạn kiệt những yêu thương.
Và trở về với câu chuyện hiện đại, ngôn ngữ của teen hay ngôn ngữ tiếng lóng ngập tràn trên các diễn đàn, trên điện thoại, đó có phải là ngôn ngữ không? Bạn hãy suy nghĩ đi, đến loài vật như con kiến cũng có ngôn ngữ và văn hóa riêng của chúng. Vậy thì, đừng biến chúng ta thành những thứ thấp kém, không bằng cả một loài vật. Chúng có ngôn ngữ đấy, còn chúng ta, đừng tự đánh mất ngôn ngữ của mình vì một vài lời khi nóng giận, khi chạy theo đám đông, khi cho rằng, thế là “hot”…
Và, đương nhiên, em ủng hộ những hành văn mới mẻ, những động thái giúp mở rộng vốn từ dân tộc, những điển chế thú vị, phù hợp với thuần phong mỹ tục, những hành văn sáng tạo trong ngôn ngữ. Nhưng, sáng tạo đến đâu thì dừng lại để việc sử dụng ngôn ngữ không trở thành vấn nạn cần đem ra bàn tán, điều đó nằm ở tư duy và văn hóa ngôn ngữ của các bạn.
Chẳng có định nghĩa nào về văn hóa, ít ra thì em đã từng nghĩ thế, chỉ đơn giản là đừng làm gì chống lại số đông, đừng làm gì trái mắt mọi người trong xã hội, Văn hóa là cách hành xử của con người với con người, của con người với xã hội, của con người với thiên nhiên môi trường, tất cả những điều ấy em đều biết. Thế nhưng, văn hóa cũng là cách hành xử của con người với chính bản thân mình, đó là lần đầu tiên, em được học.
Còn nhớ thấy có hỏi một câu rằng: “ các em có văn hóa không?” Em đã rất tự tin mà khẳng định: “ có”. Em không bao giờ cố tình làm hại ai cả, em có ý thức với môi trường, sống hòa nhã trong xã hội. Thế thì em có văn hóa chứ? Nhưng thực ra, rất nhiều lúc, em đã không hề tôn trọng, không quan tâm đến chính mình. Em thức khuya hàng giờ chơi game khi mắt đã đau ghê gớm, em nhảy ùm vào nhà tắm lúc 2 giờ khuya đơn giản chỉ vì thấy thích, em nhịn ăn cả tuần vì giảm cân, em không dám nói với cậu bạn mình yêu thương rằng mình thích cậu ấy, hơn một tình bạn, vì sợ bị từ chối, em trốn chạy một ánh mắt quan tâm vì nghĩ mình vẫn chưa sẵn sàng… Những điều bình thường như vậy thôi, nhưng vẫn thể hiện em là người không có văn hóa. Trên một phương diện nào đó, bởi em đã không có đủ yêu thương, tin tưởng và tôn trọng chính bản thân mình. Ngạc nhiên quá phải không, em cũng không ngờ đến. Một câu chuyện mà em đã khóc rất nhiều khi đọc được trên face book của bạn em, kẻ về sự ra đi bất ngờ của 1 cô bạn, bạn ấy đã chết hay chỉ là đang bắt đầu cuộc hành trình đến 1 thế giới khác, cuộc hành trình mà khi đã ra đi sẽ không có vé để quay về? Em tự hỏi, nếu bạn ấy biết trước, rằng hôm ấy bạn sẽ phải bắt đầu chuyến hành trình của mình, biết đâu bạn sẽ ăn món mì đắt đỏ mà mình thích vào buổi sáng, sẽ đi ngủ thay vì thức cả đêm khi đã quá mệt mỏi cố gắng xong bài tập, sẽ không bẳn gắt với mẹ bạn, sẽ cười thật tươi với cậu em trai nhỏ? Cuộc sống quý giá lắm, và em nhận ra, trước khi cố làm ra mình là một người có văn hóa, hãy biết yêu quý chính bản thân mình. Như một câu ngạn ngữ em đã từng đọc qua: “ Bạn ơi, trước khi hiểu được tiếng của động vật, hãy lắng nghe tiếng lòng của con người…”
Và đây, sau 1 tiếng chạy như thoi trong bảo tàng dân tộc học, em chợt nhận ra mình lớn lên, chững chạc rất nhiều.
Đầu tiên là chút cảm giác tự hào khi đứng xếp hàng vào cổng. tay cầm cặp tài liệu, cổ đeo thẻ học viên và bước đi có mục đích. Hóa ra, chỉn chu, có tổ chức và định hướng cũng đem lại cho mình rất nhiều tự tin.
Bước vào cổng, không hiểu sao, em lại có cảm giác hệt như mình đang đi thi “ Phụ nữ thế kỷ 21”.? Một chút hiếu thắng len vào trong em và thú thật, em đã nghĩ, 60 phút cũng chẳng là gì. Tất nhiên, em sai. Thay vì đứng lại và đọc thật kỹ yêu cầu trong phiếu thì em lại hối hả chạy theo mọi người. Rồi lại hối hả ghi chép, hối hả bước mà không dừng lại để nhìn, để nghĩ suy và bao quát. Em nhận ra, khi có hiệu lệnh, không phải cứ cắm đầu chạy mà quan trọng nhất, cần phải biết mình chạy về đâu. Những yêu cầu không có gì là khó, nếu em chịu dành thời gian phân tích. Thay vì đi tìm 120 từ cho 2 câu hỏi, thực sự, chỉ cần 70 từ là có thể làm xong, cũng không cần thiết phải loanh quanh suốt cả bảo tàng, chỉ cần tìm kiếm các hiện vật có chú thích của các dân tộc miền núi phía Bắc. Công việc lẽ ra chưa đến 30 phút, thế mà em đã để mất cả 1 tiếng đồng hồ. Em đã có thể dạo quanh thảnh thơi và chụp ảnh, thay vì chạy hộc tốc trở về chỗ hẹn. Thế mới biết, nhanh nhẹn là cần thiết, nhưng có lúc, vẫn phải dừng lại để biết mình đang đứng ở đâu.
Bài học thứ hai, em là em, người khác có thể không tin mình, nhưng, đừng bao giờ tự nghi ngờ mình cả. Em đã mất bình tĩnh , không nhớ nổi những câu giới thiệu cơ bản mà em đã nói hàng trăm lần. Chỉ đơn giản là nói về những người yêu thương đã bên em 22 năm qua, bằng một thứ tiếng em đã học cũng gần bằng chừng ấy năm trời. Nhưng em không làm được. Điểm kinh nghiệm chỉ được B, dù em đã có kinh nghiệm rất nhiều, đã rất tự tin… Đó là một điều buồn, nhưng cũng là một bài học lớn. Cho em. Ngày mai.
Nếu một ngày đẹp trời nào đó, cơ hội cho chúng ta quay trở lại bảo tàng dân tộc học, hy vọng, em sẽ đứng trước thầy và các bạn với tư cách của một người hướng dẫn viên, không phải là một khách tham quan vụng về, mồ hơi mướt mát như hôm nay. Một cô hướng dẫn viên không chuyên, chia cấu trúc bảo tàng thành 2 phần thay vì 13 phần như bảng chỉ dẫn, nhưng cô ấy rất tự tin sẽ đưa thầy và các bạn đi hết những nơi cần đến, thầy ạ!
Một lời cuối, cảm ơn thầy vì đã đưa em cơ hội để em học được nhiều điều, đơn giản nhưng em đã vô tình bỏ quên trong cuộc sống này!
Và cũng muốn cảm ơn chính em nữa, vì em đã rất tôn trọng mình, ít nhất là khi ngồi viết những dòng này!
Một tuần mới thật vui, thầy nhé!
Thân ái!
Jade.

jade phan

Tổng số bài gửi : 2
Join date : 17/09/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết