EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN01B_LANGUAGE AND CULTURE_ANHNGUYENTHIVAN_18TH SEPTEMBER 2010

Go down

TN01B_LANGUAGE AND CULTURE_ANHNGUYENTHIVAN_18TH SEPTEMBER 2010 Empty TN01B_LANGUAGE AND CULTURE_ANHNGUYENTHIVAN_18TH SEPTEMBER 2010

Bài gửi  van anh Sat Sep 18, 2010 9:22 am

student's name: Anh NguyenThi Van
student code: TN109532
class: TN01B
lesson: language and culture
Ha Noi, 18th september 2010


dear Mr Viet Anh
here is my homework


Vài nét về thiên nhiên, kiến trúc, ẩm thực, con người Huế

Việt Nam, nơi có rất nhiều vùng, miền có nét văn hóa đặc trưng riêng như Tây nguyên, Lam Sơn, miền Bắc, miền Nam… nhưng trong bài viết về văn hóa này tôi xin được giới thiệu về Huế. Một vùng miền mà khiến mỗi chúng ta khi đã đặt chân đến đều không muốn ra về.
I. Thiên nhiên Huế
Cách đây gần bảy trăm năm, trên con đường mang gươm đi mở nước ở phương Nam, có một cộng đồng người Việt đã dừng bước lãng du ở dưới chân núi Ngự, bên bờ sông Hương.

Theo đà phát triển của lịch sử dân tộc, vùng đất “non xanh nước biếc” này đã trở thành một chốn quần cư ngày càng trù phú, và đến thế kỷ XIX, thì Huế được giao phó giữ vai trò trung tâm chính trị và văn hóa lớn nhất Việt Nam. Ngày nay, mặc dù chức năng ấy chính trị ở đỉnh cao ấy đã qua đi, nhưng thiên nhiên, kiến trúc con người ở đây vẫn tồn tại như một tổ hợp di sản văn hóa đặc thù có giá trị quốc gia và quốc tế.
Thiên nhiên ở Huế là món quà vô giá mà tạo hóa đã dành sẵn cho con người. Địa bàn này có hầu hết các yếu tố địa lý tự nhiên, như rừng núi, gò đồi, đồng bằng, sông ngòi, đầm phá, biển cả…Trong đó sông Hương và núi Ngự, muôn thuở như một cặp tình nhân, đã đóng những vai trò quan trọng nhất đối với kiến trúc và những con người tại chỗ. Vẻ thơ mộng hữu tình của nhiều thắng cảnh ở đây chính là nhân tố quyết định đối với sự thiết lập và thăng hoa của đô thị cổ này.
Ở Huế, địa hình không hùng vĩ, bao la như ngoài Bắc, trong Nam và nhiều vùng khác trên thế giới. Đồng bằng ở đây tương đối hẹp, chung quanh là núi biếc, ở giữa có dòng sông xanh uống lượn mềm mại trong lòng đô thị. Núi không cao ngất như Thái Sơn để làm choáng ngợp người nhìn. Sông không dài rộng như Hoàng Hà để mối tương quan trong sinh hoạt giữa đôi bờ phải cách trở. Ở nhiều nơi, sông và núi xích lại gần kề bên nhau, tạo thành những bức tranh thủy mặc. Sông Hương êm đềm và trong vắt như một tấm gương phản chiếu cảnh vật ở chung quanh. Một nhà thơ đã viết: “Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Núi Ngự thì trang nghiêm và trầm mặc như dáng dấp của một nhà hiền triết. Ngoại cảnh tác động vào nội tâm, đây là một quy luật. Môi trường thiên nhiên xinh đẹp, xanh tươi và trầm lắng ấy đã ảnh hưởng đến tâm hồn và trí tuệ của cư dân sống trong lòng nó. Trái tim ai cũng rung cảm khi đứng trước những khung cảnh sơn kỳ thủy tú. Cảm xúc thẩm mỹ đã được trí tuệ nâng lên thành nghệ thuật, mà loại hình nghệ thuật sáng giá nhất ở đây là kiến trúc cảnh quan.
II. Kiến trúc Huế
Theo dòng tư duy triết học truyền thống của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng, giữa thiên nhiên và con người có một mối tương quan hòa hợp. Cho nên trong các giai đoạn xây dựng và phát triển đô thị của mình, người Huế đã không dùng những biện pháp thô bạo để chế ngự thiên nhiên, mà chỉ tổ chức lại thiên nhiên thành một giá trị văn hóa để tham dự vào cuộc sống nhân văn của mình một cách thân thiết. Kiến trúc Huế là kiến trúc mở. Không gian nội thất được nới rộng thêm bằng cách nối tiếp với thiện nhiên ngoại cảnh. Một nhà nghiên cứu đã nhận xét về kiến trúc cảnh quan ở đây rằng: “Không gian bên ngoài luồn vào không gian của kiến trúc, kéo kiến trúc về với thiên nhiên, góp phần tổ chức lại không gian chung”.
Tọa lạc bên bờ sông Hương xanh biếc êm đềm vốn xưa nay vẫn chảy lững lờ qua lòng đô thị chính là quần thể kiến trúc nghệ thuật Kinh đô Huế được xây dựng dưới triều Nguyễn. Ở bờ Bắc dòng là Kinh thành – Hoàng thành và Tử Cẩm Thành với hàng chục cung điện vàng son lộng lẫy. Xa xa ở phía Nam sông Hương là những lăng tẩm của các vị vua từ Gia Long đến Khải Định, và Đàn Nam Giao (nơi vua tế trời đất). Đây được xem như những công trình nghệ thuật tuyệt đẹp giữa chốn đồi núi linh thiêng này. Sự hài hòa giữa kiến trúc thiên nhiên của kinh thành Huế đã đạt đến mức tuyệt diệu và hoàn chỉnh. Kinh thành được xem là một thành lũy có hình ngôi sao mà về đêm trông như một vì tinh tú đẹp lung linh, huyền ảo.
Kinh thành Huế được thiết kế như một thành lũy với cả một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và mang tính phòng thủ vững chắc, bao gồm các bộ phận chính kể từ thành ra bên ngoài như: luỹ, pháo đài, tường bắn, pháo nhãn, phòng lộ, hào, thành giai, con đường kín.Hình khối kiến trúc của những công trình trong kinh thành Huế là mái thẳng, đường nét thanh nhã phù hợp với những cấu kiện gỗ hướng đến chiều cao được xác định phù hợp với tỷ lệ. Rõ ràng, sự hài hoà giữa kiến trúc và tạo hình thời Nguyễn phản ánh mối giao hoà tâm lý “Thiên - Địa - Nhân” sâu sắc của người Huế. Chính mỹ thuật dân gian đã phả vào mỹ thuật cung đình một sức sống mới; ngược lại mỹ thuật cung đình trang nhã, trang trọng tác động trở lại khiến cho mỹ thuật dân gian thêm phần sinh động. Chính sự tương tác bổ sung đó đã tạo cho kinh thành Huế có sức sống bền bỉ và mang trong mình những giá trị văn hóa lớn lao trường tồn đến hôm nay.
Khi xây dựng thủ phủ Phú Xuân vào thế kỷ XVII, rồi mở rộng thành kinh đô Huế vào thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc đã nâng cao giá trị của các thực thể địa lý tự nhiên trong vùng bằng cách gắn vào cho chúng những chức năng tâm linh phát xuất từ dịch lý và thuật phong thủy. Họ không bao giờ để cho công trình kiến trúc của mình đứng cô đơn và khô cứng dưới ánh sáng mặt trời, mà bao giờ cũng lợi dụng thiên nhiên để thổi vào cho nó một cái hồn, tạo ra cho nó một thần thái. Kiến trúc Huế vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa mang tính triết học sâu sắc. Các loại hình kiến trúc cung đình và dân gian ở đây như thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình chùa, miếu mạo, nhà vườn…đều có cùng một phong cách như thế. Đó chính là “sự tổng hợp đạo và đời trong kiến trúc” như một quan chức Unesco đã nhận định.
III. Con người Huế
Thiên nhiên và kiến trúc đã làm cho Huế trở thành vùng đất của thơ ca, bầu trời của nhạc họa, thế giới của tâm hồn. Tâm hồn đó, ngoài tính cách chung đã mang theo từ chốn cội nguồn của dân tộc, còn có sự cộng hưởng với các nhân tố vốn có của bản địa, sự hỗn dung những yếu tố phương Nam, sự hội nhập những tinh hoa bên ngoài, và óc sáng tạo cũng như bàn tay khéo léo của nhiều thế hệ tài hoa, tất cả hợp thành một tính cách đặc thù, gọi là lối sống Huế.
Có kẻ đã hơi cường điệu khi nói rằng mỗi người Huế là một nhà thơ, nhưng xem ra hoàn toàn không phải là vô căn cứ. Xúc cảnh sinh tình là lẽ tự nhiên. Nhiều tao nhân mặc khách và một số nhà văn hóa đã từng đươc nuôi dưỡng, đào tạo và xuất thân từ mảnh đất này. Có thể đây là nơi họ sinh trưởng, nhưng cũng có thể đây là chổ họ dừng chân lưu trú trong một thời đoạn của cuộc đời. Trí tuệ và tâm hồn của họ đã được hun đúc và tinh chế để trở thành một số không ít những nhân vật lỗi lạc mà tên tuổi đã vang xa.
Mãi đến ngày nay, do bối cảnh sử và văn hóa đặc thù, đời sống tinh thần và cung cách ứng xử của cư dân vùng Huế vẫn có ít nhiều ảnh hưởng của tính cung đình, tính tâm linh và lễ giáo.
Đa số người Huế theo đạo Phật và tất cả đều sùng thượng đạo Nho. Những tư tưởng của hai học thuyết gần gủi nhau ấy đã được Việt Nam hóa từ lâu đời. Ngày nay, đức tính từ bi, tấm lòng nhân nghĩa và lễ giáo gia phong vẫn còn bàng bạc trong tư duy và nếp sống của người Huế. Tuyệt đại đa số quần chúng tin rằng có những đấng siêu hình luôn luôn theo dõi hành vi của con người để khuyến thiện trừ ác. Trong hầu hết các gia đình đều có thiết lập bàn thờ Phật và gia tiên. Nhiều ngôi nhà cổ ở Huế như phủ đệ, nhà vườn, thường là những địa chỉ bảo lưu khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Chấp nhận cuộc sống thanh bần, người Huế không thích bươn chải, bon chen. Nhưng họ lại có sức đề kháng đối với những gì ngoại lai không thích hợp với đạo lý dân tộc, có thể biến mình xa lạ đối với quê hương.
Vùng đất kinh đô xưa đã tạo cho người dân nơi đây một phong thái thanh tao, cao nhã nhưng rất đằm thắm nhẹ nhàng, điều này không chỉ có ở những phi tần, mỹ nữ, những vương tôn quý tử trong Hoàng thành mà còn lan tỏa trong tầng lớp nhân dân. Cái phong thái cao nhã ấy nó ẩn hiện ngay từ tiếng “dạ, thưa” mềm mại từ cái dáng đi nhẹ nhàng uyển chuyến trong chiếc áo dài tím thướt tha, để giờ đây Huế như một viên ngọc tím huyền ảo mà ai cũng biết tới.
Ai đã từng đến Huế, từng nói chuyện với người dân nơi đây hẳn sẽ thấy ngay được ở họ sự thân thiện mến khách và rất nhiệt thành. Mặc cho thời gian có qua đi nhưng nghe tiếng “dạ” tiếng “thưa” nhẹ nhàng dễ nghe thì ai cũng có thể nhận ra giọng Huế - người Huế như lời bài hát “Tình yêu từ chiếc nón Bài Thơ; Từ giọng nói ấm trầm sâu lắng lạ”. Và có lẽ thế mà người Huế có tiếng hát cũng mượt mà và đằm thắm hơn ai hết. Lên thuyền Rồng dạo trên sông Hương vào buổi tối mát rượi mùa hè để nghe Nhã nhạc cung đình Huế hẳn sẽ khó lòng quên được cái thiết tha, sâu lắng trong mỗi câu ca.
Con người Huế dù đi đâu về đâu thì hình ảnh khắc sâu trong tâm khảm họ chính là chiếc áo dài. Cho đến những năm 1970, con gái Huế ra khỏi nhà là mặc áo dài, kể cả chị tiểu thương ở chợ hoặc bà bán hàng rong. Áo dài Huế không chấm gót như áo Sài Gòn, cổ áo cao vừa phải, co áo cũng thắt đáy lưng ong, nhưng lại không bó quá, tà cũng không xẻ quá cao.
Tìm hiểu về người Huế hơn ta còn có thể thấy được nét đẹp trong tư chất của họ. Vùng đất Kinh đô xưa đã từng là cái nôi nuôi dưỡng những nhân tài như Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành, Tố Hữu...nơi đây vừa đào tạo, rèn luyện con người, vừa là môi trường lý tưởng để hun đúc bồi dưỡng tư chất cho tuổi thanh niên, lập nghiệp. Cho đến bây giờ Huế vẫn là nơi ươm mầm cho những tài năng trẻ, đưa Huế trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Một điều trong tính cách con người xứ Huế mà không thể không nhắc tới đó là sự giao hòa với thiên nhiên cỏ cây. Chính vì thế mà đa số cách xây dựng nhà ở của họ đều hướng ngoại, trong nhà hay ngoài vườn đều có sự giao hòa với thiên nhiên, điển hình là các nhà vườn truyền thống mà đến Huế chúng ta sẽ có dịp được thưởng ngoạn.
Nhìn chung, ba yếu tố thiên nhiên, kiến trúc, con người ở đây đã tác động và hòa quyện với nhau để tạo ra cho cố đô cổ kính này một tổ hợp di sản văn hóa vật chất và tinh thần đặc biệt khó tìm thấy ở nơi nào khác. Đến Huế, mọi du khách đều thấy lòng mình trở nên thanh thản và dễ nhận ra được tình tự dân tộc, tâm hồn Việt Nam.

Ẩm thực Huế, nét văn hóa không thể bỏ qua
Trong những đặc trưng văn hóa lâu đời của Huế thì sự đa dạng cầu kỳ trong cách chế biến thức ăn góp một phần không nhỏ vào việc hình thành nét riêng xứ Huế. Món ăn Huế giản dị, phong phú, mang hương vị đằm thắm của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông đất cố đô song cũng không kém phần sang trọng tinh tế với cách bài trí món ăn mang tính nghệ thuật của các món ăn cung đình.
Những loại đặc sản bốn mùa của người Huế có thể nấu tới 300 món ăn khó nơi nào có thể sánh kịp. Món ăn dân dã và khó quên nhất khi du khách tới Huế đầu tiên có thể kế tới món cơm hến. Cơm hến ngon nhờ tài pha chế nhiều thành phần các loại gia vị rất độc đáo và cầu kỳ. Địa điểm để thưởng thức món cơm hến ngon đúng chất ngon đậm đà có thể kể đến Cồn hến hay thuận tiện hơn bạn cũng có thể ghé lại những quán nhỏ ở đường Trương Định hay những nhà hàng nổi tiếng như Nam Giao hoài cổ, Vĩ Dạ xưa… Và nếu có dịp dừng chân dùng bữa cơm ở Huế bạn sẽ được thưởng thức những món rất đồng quê và dân dã mà ngon đến lạ. Đơn giản như món cá bống thệ kho rau răm với nước dừa, món canh rau tập tàng mà vườn nhà ai cũng có sẵn, bát canh thịt heo nấu với lá bông ngọt, lá mồng tơi, ngọn sần, búp hoa bí ngô xào kèm với tôm hay thịt bò và không thể thiếu đĩa rau sống cùng một chén nước mắm ngon.
Đặc biệt, món ăn chay được người Huế chế biến rất cầu kỳ và ngon không kém món ăn mặn (có khoảng 125 món). Ngoài ra, Huế còn có những món ăn đặc sản như bún bò, giò heo, mà nổi tiếng nhất là bún Gia Hội, chợ Tuần. Bên cạnh đó còn hàng chục loại bánh mặn, ngọt mà ai đã một lần nếm thử, hẳn không quên được những món quà đặc sắc chốn kinh kỳ. Đó là các loại bánh nổi tiếng gắn liền với các địa danh: bánh khoái - Đông Ba, bánh bèo - Ngự Bình, bánh canh - Nam Phổ, bánh ướt thịt nướng - Kim Long… Chè Huế cũng phong phú không kém với 36 loại chè khác nhau, đủ sức hấp dẫn du khách trong buổi tối mùa hè nóng nực đi dạo mát hai bên bờ sông Hương: chè bột lọc bọc thịt quay, chè hạt sen bọc long nhãn, chè đậu ván, chè đậu xanh đánh, chè đậu ngự, chè đậu
huyết… món nào cũng đem tới cho ta sự thích thú đặc biệt và ấn tượng khó quên khi đến Huế.
Chắc qua lời giới thiệu của tôi chăc hẳn các bạn đã có chút cảm nhận hay hình dung ra được vẻ đẹp xứ Huế cũng như nét đep trong con người Huế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1)Bai giảng ngôn ngữ và văn hóa - PGS-TS. Bùi Phương Việt Anh
2)www.vnnavi.com/.../vanhoahue.html
3)www.khamphahue.com.vn/ehue/?...vanhoahue
4)www.huefestival.com/

van anh

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 18/09/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết