EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

language and culture

Go down

language and culture Empty language and culture

Bài gửi  kimoanh Sat Jan 22, 2011 10:21 pm


Student’s name: Kim Oanh Bui Thi
Class: TN 02A

Lesson: Ngôn ngữ và văn hóa.

Theo Mr Việt Anh “văn hóa là cách hành xử của con người với con người, của con người với xã hội, của con người với thiên nhiên môi trường, của con người với chính bản thân mình. Văn hóa tồn tại cả dạng vật chất và tinh thần”. Như vậy để phân tích về văn hóa chúng ta phải bắt đầu từ các mối quan hệ giữa con người với con người, với thiên nhiên, với xã hội. Cách chúng ta hành xử với mọi thứ xung quanh như thế nào được đánh giá và hình thành nên nhân cách của mỗi con người.

Theo quan niệm về nhân cách con người của tâm lý học Mác xít:
Đứng trên lập trường, quan điểm của triết học duy vật biện chứng, nền tâm lý học Xôviết đã cống hiến cho nhân loại những thành tựu to lớn, phong phú, đa dạng không ai có thể phủ nhận được. Những nguyên tắc nghiên cứu tâm lý nói chung và nhân cách nói riêng của họ là:
- Nguyên tắc phản ánh: Tâm lý con người là phản ánh hiện thực khách quan thông qua não. Nó là hình ảnh phản chiếu hiện thực khách quan thông qua chủ thể mỗi người. Hình ảnh hiện thực khách quan đó thông qua mỗi người được thể hiện khác nhau do chủ quan của người ấy.
- Nguyên tắc quyết định luận. Đó là tồn tại quyết định ý thức. Tồn tại có trước, ý thức có sau. Vật chất quyết định ý thức. Vì vậy muốn nghiên cứu tâm lý con người phải nghiên cứu tồn tại con người, tức là hoàn cảnh con người sống và hoạt động.
- Nguyên tắc phát triển. Hiện thực khách quan luôn luôn biến đổi, tâm lý con người cũng luôn luôn biến đổi và phát triển. Vì vậy, nghiên cứu hiện tượng tâm lý nào cũng phải nhìn thấy sự phát triển không ngừng của nó. Trong tâm lý học nhân cách nguyên tắc phát triển lại càng quan trọng. Nhờ nguyên tắc này mà chúng ta đánh giá nhân cách con người không thể ở thể tĩnh mà luôn luôn động, nghĩa là trong sự phát triển và biến đổi của nó.
- Nguyên tắc thống nhất ý thức với hoạt động, hoạt động và nhân cách, chủ quan và khách quan, giữa xã hội và cá nhân, giữa các sinh vật và các xã hội. Hoạt động là phương thức tồn tại ý thức, nhân cách, cá nhân và xã hội. Nhờ có hoạt động mà ý thức, nhân cách cá nhân, xã hội mới tồn tại và phát triển. Vì vậy giữa chúng có sự thống nhất với nhau trên một phương diện nào đó.
- Nguyên tắc tiếp cận góc độ nhân cách đối với các hiện tượng tâm lý. Nguyên tắc này yêu cầu khi nghiên cứu một hiện tượng tâm lý nào phải gắn liền với nhân cách của người ấy với tư cách là một cá nhân cụ thể.
- Nguyên tắc tiếp cận cấu trúc hệ thống trong tâm lý học nhân cách. Nguyên tắc này đòi hỏi nghiên cứu nhân cách phải đặt nó trong một hệ thống cấu trúc nhất định. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được những vấn đề bản chất nhân cách.
Qua đó ta thấy nếu muốn hiểu rõ về văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung chúng ta cần phải biết về tư tưởng phương Đông cổ đại về nhân cách con người: “Các nhà tư tưởng triết học phương Đông cổ đại cho rằng con người là tiểu vũ trụ, mang những đặc tính của vũ trụ. Những đặc tính này chi phối sự phát triển con người. Con người liên hệ với vũ trụ bao la nên con người cần biết được các thông tin của vũ trụ. Thực thể con người là sản phẩm của nguyên lý âm dương, vừa đối lập vừa thống nhất, chứa đựng và chuyển hoá lẫn nhau, trời - đất - người hợp thành một (thiên - địa - nhân hợp nhất). Mạnh Tử nhận xét: Khi phát triển hết mình, con người có thể biết trời mà còn hợp nhất với trời làm một. Tính cách của con người chịu ảnh hưởng của ngũ hành và chia ra loại người: Kim, Hoả, Thổ, Mộc, Thuỷ. Khổng Tử quan niệm về nhân cách con người thể hiện ở Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong đó Nhân là gốc và chỉ có người “Đại nhân” mới có Nhân.
Về nhân cách con người Việt Nam , trong cuốn Tâm lý học Nhân cách, tác giả Nguyễn Ngọc Bích đã thống nhất với quan điểm của Gs.Trần Văn Giàu về đặc điểm nhân cách người Việt Nam gồm bẩy phẩm chất: Yêu nước, cần cù, anh hùng, lạc quan, sáng tạo, thương người, vì nghĩa. Và đưa thêm vào một nét đặc trưng nữa là sự thích ứng, hoà nhập của con người với người khác trong và ngoài cộng đồng của mình, hoà nhập với thiên nhiên…

Đất nước Việt Nam đã có lịch sử lâu đời và vì thế nền văn hóa của chúng ta cũng rất phong phú đa dạng. Để có thể nói được hết không phải là dễ, vậy tôi xin chọn ra một khía cạnh nhỏ trong cái tổng thể lớn, đó là về văn hóa làng xã Việt Nam, cụ thể hơn văn hóa làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Khái niệm này gắn với hình ảnh làng xã cổ truyền ở Việt Nam với ba đặc trưng cơ bản: ý thức cộng đồng làng (ý thức dân chủ làng xã, cộng đồng trong sản xuất bảo vệ xóm làng, xây dựng văn hoá, lối sống, đạo đức...); ý thức tự quản (thể hiện rõ nhất trong việc xây dựng hương ước); và tính đặc thù độc đáo, rất riêng của mỗi làng (có khi hai làng gần nhau nhưng không hề giống nhau). Văn hóa làng được thể hiện thông qua các biểu trưng văn hoá mang giá trị truyền thống: từ cây đa, bến sông, con đê, mái đình, giếng nước đến các bản gia phả, hương ước, tập tục, hội hè đình đám, tín ngưỡng, các nghề thủ công truyền thống, những làn điệu dân ca, dân vũ, những người giỏi văn, giỏi võ, vv. Văn hóa làng mang những giá trị đẹp giàu tính truyền thống, đồng thời cũng cần xoá bỏ những tập tục cổ hủ, lạc hậu.
Làng xã Việt Nam mang những nét đặc thù riêng như sau:
- Ý thức đoàn kết cộng đồng rất cao và thể hiện ở nhiều mặt của cuộc sống (trong lao động sản xuất cũng như trong các sinh hoạt tinh thần…), từ ý thức này đã thúc đẩy tính dân chủ làng xã.
- Ý thức tự trị thông qua các lệ làng và hương ước.
- Diện mạo văn hoá: Tuỳ vào điều kiện môi trường tự nhiên, nề nếp sinh hoạt và cách ứng xử riêng của từng làng mà mỗi làng sẽ có đặc điểm để tự hào (đất lề, quê thói).
- Đa thần giáo là đặc điểm nổi bật trong đời sống tín ngưỡng ở làng.
Sau đây xin trình bày bốn nét đặc trưng nổi bật của văn hóa làng Việt Nam:
Thứ nhất: Cổng làng: Cổng làng là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Cổng làng chủ yếu có ở những vùng trồng lúa và có văn hoá làng xã, đặc biệt là vùng đất châu thổ sông Hồng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà trong làng có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cổng làng thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất và thường thì chỉ có một cửa chính nhưng ở nhiều nơi, liền với cửa chính còn có hai cửa phụ thấp và nhỏ hơn, được xây dựng trang trí hài hoà với cổng chính, tạo thành một thể kiến trúc thống nhất tựa như những ngôi tam quan của chùa, hay như những bức cửa mã ở đình làng. Cổng làng được dùng như một qui ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng. Nó chẳng ngǎn che được gì về vật lý lẫn thị giác. Vậy mà làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa. Nó như một dấu hiệu đánh mốc trong và ngoài của không gian làng - đó là một phần của văn hóa làng. Cái kiểu đánh dấu này luôn tồn tại trong tâm thức người Việt.
Thứ hai: Đình làng. Hình ảnh "cây đa, bến nước, sân đình, bụi tre, vườn cây, ao cá..." đã từ lâu khiến chúng ta liên tưởng đến mỗi khi nhắc đến văn hóa làng – nét văn hóa của nông thôn Việt Nam. Đình làng là hình ảnh thân quen, gắn với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Cái đình trang trọng và thiêng liêng, nó gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Nhưng đình làng lại là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Người Việt Nam thừa hưởng nhiều tín ngưỡng cổ xưa, nguyên thủy, nên thờ và tôn kính rất nhiều vị thần như: thần núi, thần biển, thần nước (thần Tản Viên)... ở Phù Ninh (Phú Thọ) thờ thần Đá Trắng, vùng đồng bằng thờ thần cá, thần rắn... Tất cả những tín ngưỡng ấy, các thế hệ dân Việt Nam tiếp nối nhau tạo thành một nền vǎn hoá đình, một nền vǎn hóa hỗn hợp, đa dạng, có mặt nhiều thành phần tôn giáo khiến cho đình trở thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo một niềm tin, một niềm hy vọng, một sức mạnh vô hình của làng xã cộng đồng Việt Nam. Hàng năm đình có lễ hội thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày mất của thần được thờ. Lễ hội gắn với truyền thống lịch sử (sự tích thần đánh giặc, lập làng, dạy nghề), gắn với lễ nghi nông nghiệp (lễ rước nước). Tế thần là hoạt động diễn lễ của hội tế để biểu thị lòng biết ơn của dân làng đối với thần, mong thần tiếp tục phù hộ cho đân làng mạnh khỏe, được mùa. Kiến trúc đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc Việt truyền thống. Thế kỷ XVIII, Việt Nam có khoảng 11.800 làng xã. Mỗi làng có một cụm kiến trúc nghệ thuật tôn giáo đình đền chùa với hàng trăm pho tượng và nhiều đồ trang trí thờ cúng khác nhau. Đình làng, nhất là đình làng ở miền Bắc, là kho tàng hết sức phong phú của điêu khắc Việt Nam trong lịch sử. Điêu khắc cũng tồn tại ở chùa, đền, các kiến trúc tôn giáo khác, nhưng không ở đâu nó được biểu hiện hết mình như ở Đình. Điêu khắc ở đình làng không những là nguồn tài liệu để nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tài liệu để nghiên cứu đời sống ngày thường cũng như tâm hồn của người nông dân Việt Nam.
Thứ ba: Hội làng. Hội làng là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa làng. Lễ hội là hình ảnh thu nhỏ bộ mặt làng xã người Việt nói chung và từng làng, từng xóm nói riêng. Hội làng là hiện thân của nền văn hóa đương đại (theo nhiều sử sách để lại thì nó được phát triển mạnh nhất vào thời Lý). Hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân làng. Từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê! Lễ hội mùa xuân của từng làng quê hiện nay thường được mở trong 3 ngày. Ngày đầu là lễ nhập tịch (mở cửa đình), ngày thứ hai (chính hội) gồm các nghi lễ như: Rước ngai kiệu, tế lễ, dâng hương và các trò vui... Ngày thứ ba: Làm lễ tế dã, hoặc rước lại (kết thúc hội). Trong những ngày “đại sự” của làng, nội dung chủ yếu được chia ra làm hai phần rõ rệt: Phần lễ và phần hội.
Trong phần nghi lễ, đoàn rước có tính chất “quy mô và hoành tráng nhất”. Tục lệ rước của các làng đều tương tự giống nhau. Đây có thể gọi là “Cuộc biểu dương lực lượng” của làng! Đoàn rước lớn có thể đông tới ba, bốn trăm người, được phân ra làm nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban đảm nhiệm một trọng trách. Tiểu ban phù giá: Khiêng ngai kiệu, chiêng trống, hương án, long đình... Tiểu ban hộ giá: Đi sau hương án, đồ thờ có cờ hàng báo, cờ ngũ hành và các đồ hộ quốc như trùy đồng, hồng trượng, phủ việt, rồi tiếp theo là tàn lọng uy nghi cùng đội nhạc cổ “lưu thủy” hòa tấu rộn rã. Trong tiếng trống hội xuân rộn rã vang thúc giục, khắp xóm ngõ làng quê bừng lên một niềm vui nhộn nhịp. Người người tấp nập đội lễ ra đình, đền, chùa thành tâm cung kính. Với niềm tâm linh, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ai đứng trước đình cũng muốn bày tỏ tấm lòng chân thật tôn kính.
Mặc dù là đời sống tâm linh tín ngưỡng, song việc “làm lễ” trong ngày hội làng lại có ý nghĩa giáo dục cao! Nó làm cho con người ta gạt bỏ đi hết mọi điều ác mà hướng thiện. Làm tan biến những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng, những toan tính trong cuộc sống thường ngày để có được nỗi lòng thanh thản, vô tư, đồng thời cũng nhắc nhở cho bản thân và cũng răn dạy cho con cháu làng mình biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công với nước, với dân. Đó cũng là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và quê hương làng xã.
Thứ năm: Quan hệ dòng tộc. Ở mỗi làng quê Việt Nam ngày xưa thì quan hệ dòng tộc luôn được các thế hệ coi trọng. Có thể nói, đối với mỗi người dân Việt Nam thì trách nhiệm đối với dòng họ, dòng tộc còn nặng hơn cả trách nhiệm đối với xã hội.
Quan hệ dòng tộc trong văn hoá làng: Ở nước Việt Nam nông nghiệp, quan hệ dòng tộc đóng một vai trò quan trọng. Nếu có thể nói rằng các nền văn hóa Phương Tây coi trọng chủ nghĩa cá nhân, thì cũng có thể nói rằng các nền văn hóa Phương Đông coi trọng những vai trò gia đình và dòng họ. Tuy nhiên, ngay trong văn hoá phương Đông cũng có sự khác biệt trong vấn đề này.Ví dụ: Văn hoá Trung Quốc đề cao gia đình hơn dòng họ trong khi văn hóa Việt Nam đề cao dòng họ hơn gia đình. Mỗi dòng họ có một trưởng họ, nhà thờ họ và những ngày giỗ họ. Trưởng họ là một danh xưng của người đứng đầu một dòng họ. Việc xác định trưởng họ phụ thuộc vào hai yếu tố: Là con trai cả của người trưởng họ gần nhất và dựa vào gia phả của dòng họ để xác định ai sẽ làm trưởng họ. Nhà thờ họ là nơi đặt các bài vị của tổ tiên dòng họ,những người có công với dòng họ hay có công với đất nước, những người có địa vị cao trong xã hội của dòng họ. Nhà thờ họ là nơi diễn ra các cuộc họp dòng họ bàn về các vấn đề của dòng họ, nơi đưa ra các "quyết định" của dòng họ mà các thành viên trong dòng họ phải "thi hành". Nhà thờ họ còn là nơi tổ chức ngày giỗ họ. Ngày giỗ họ là ngày con cháu xa gần về tụ họp dưới mái nhà thờ họ để gặp gỡ, hỏi thăm,và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên dòng họ. Thường thì trưởng họ là người đứng ra tổ chức ngày giỗ họ và ngày giỗ họ càng to thể hiện dòng họ càng lớn. Ngày giỗ họ có thể diễn ra trong 1 đến 2 ngày tuỳ vào từng dòng họ. Đa số dân cư có liên hệ với nhau về huyết thống. Sự thực này hiện vẫn còn có thể bắt gặp trong những tên làng ví dụ Đặng Xá (làng của người họ Đặng), Châu Xá, Lê Xá,... vân vân. Ở Tây Nguyên có truyền thống nhiều gia đình thuộc một họ ở chung với nhau trong những ngôi nhà dài hiện vẫn phổ biến. Ở đa số các vùng nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam vẫn còn thấy ba tới bốn thế hệ sống dưới cùng mái nhà. Quan hệ của các thành viên trong dòng họ được xác định dựa vào "gia phả". Gia phả là cuốn sổ ghi chép theo từng đời các mối quan hệ của các thành viên trong dòng họ, nó ghi chép rõ ràng tên tuổi của từng người trong từng chi, từng nhánh của dòng họ. Vì quan hệ theo huyết thống nên có khi, người già 80 tuổi ở chi dưới vẫn phải gọi đứa con nít mới có 8-9 tuổi ở chi trên là bậc cha chú( hay ông trẻ). Nhưng đó cũng là truyền thống tôn kính đối với bậc trên của người dân làng quê Việt Nam. Bởi vì quan hệ dòng tộc đóng vai trò quan trọng trong xã hội nên có một hệ thống quan hệ thứ bậc rất phức tạp. Trong xã hội Việt Nam, có chín kiểu quan hệ họ hàng gần xa riêng biệt (cửu tộc). Hầu như mọi ngày giỗ và các ngày lễ bên trong một họ đều tuân thủ các nguyên tắc thế hệ. Những người trẻ tuổi có thể có vị trí cao hơn theo cấp bậc triều đình so với người lớn tuổi nhưng vẫn phải tôn trọng người lớn tuổi kia. Có thể nói quan hệ dòng tộc trong văn hoá làng xã ở Việt Nam là đặc điểm đặc trưng mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có. Mặc dù nó có nhiều hạn chế nhưng nhìn chung, nó vẫn là "nét đẹp" đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Thời đại ngày nay khi nói đến văn hóa ít ai nhắc đến làng xóm ở quê. Chắc tại vì cuộc sống phát triển, những con người rời quê lên thành phố định cư cũng nhiều, cố tình hay vô ý quên mất nguồn gốc nơi mình đi ra chăng? Mặc dù vậy những nét đẹp của cái nôi văn hóa làng xã ở đâu đó vẫn còn được lưu giữ, và tính nết tiểu nông vẫn còn đọng lại nhiều trong tư duy. Hy vọng vào một ngày nào đó không xa trong tương lai chúng ta sẽ chợt giật mình khi quay trở về làng quê cũ, đi qua cánh cổng làng về bước qua bậu cửa, cúi đầu trước bàn thờ tổ tiên, nhận ra rằng mình đã về nhà.


kimoanh

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 22/01/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết