EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN17C_ language and culture_Linh Nguyen_14th August 2010

Go down

TN17C_ language and culture_Linh Nguyen_14th August 2010 Empty TN17C_ language and culture_Linh Nguyen_14th August 2010

Bài gửi  linh.trangnguyen.hrmb Sat Aug 14, 2010 11:12 am

Student 's name: LINH NGUYEN
Class: TN 17C
lesson: LANGUAGE AND CULTURE
Văn hóa từ lâu đã trở thành một khái niệm tất yếu trong cuộc sống thường nhật của con người. Nó không chỉ thể hiện sự phát triển của một quốc gia, một dân tộc mà còn thể hiện đẳng cấp của quốc gia, dân tộc đó.Xuất phát từ sự yêu thích tìm hiểu, tôi chọn chủ đề văn hóa cho bài viết của mình.Tuy nhiên với vốn kiến thức còn hạn chế, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy và các bạn.
Chúng ta vẫn thường hay nhắc đến văn hóa như một tiêu chuẩn trong giao tiếp khi nói rằng người này hay người kia cư xử thế nào là có văn hóa. Một người có thể có trình độ học thức cao, song khi ra đường, anh ta cũng chen lấn vào đám đông xô bồ để xem, để nhìn ngó một vụ tại nạn nhằm thỏa mãn sự hiếu kì cá nhân thay vì giúp đỡ nạn nhân, giải quyết vụ việc, hay chỉ đơn giản là khi người đó cũng tiện tay như những người thiếu ý thức khác vứt một mẩu giấy ngay bên ngoài khuôn viên công cộng thay vì để nó vào thùng rác gần đó… Như vậy, không phải lúc nào văn hóa cao cũng gắn liền với trình độ học thức cao.
Tôi luôn nhớ mãi hình ảnh của bác xe ôm ở bến xe Lương Yên mà tôi thậm chí còn không biết tên trong một buổi chiều mùa đông khi còn là cô sinh viên năm thứ nhất. Bác đã chở tôi đuổi theo chuyến xe cuối cùng về Quảng Ninh khi mà xung quanh không còn ai nhận chở trong điều kiện thời tiết như thế. Tất cả đều hối hả ,vội vàng trở về ngôi nhà ấm cúng của mình sau một ngày bon chen vất vả ở nơi đô thành và cũng là để tránh cái rét thấu xương của giá lạnh miền bắc. May mắn là chúng tôi đã đuổi kịp chuyến xe cuối cùng ngay trong nội thành. Tôi vội vàng lên xe mà chỉ kịp nói được hai tiếng cảm ơn lí nhí với bác và quên cả trả tiền. Những lần sau tìm lại, tôi không thể thấy bác hoặc cũng có thể là do tôi đã không nhớ được gương mặt ấy.Những khi nhớ lại, tôi, một sinh viên trình độ đại học cũng đã cư xử như một người thiếu văn hóa với ân nhân của mình_theo một cách nào đó. Và bác, con người lạ mặt chân chất, có thể chưa từng một lần biết đến giảng đường đại học, nhưng đã có một cách cư xử không chỉ là có văn hóa!
Có đôi khi văn hóa thật gần gũi và giản dị trong suy nghĩ và nghĩa cử cao đẹp của những người nông dân bình thường như gia đình bác nông dân Nguyễn Mạnh Giàu ở thành phố Huế khi họ liên tục hiến máu nhân đạo cho bệnh viện để kịp thời cứu sống người bệnh, trong đó có nhiều những ngừoi nghèo như gia đình bác, hay đơn giản hơn nữa là cái nắm tay an ủi giữa những người bạn khi một trong số họ vấp ngã_như cái cách mà chúng ta vẫn thường hay nói với nhau: “ khi bạn khóc, tôi không hứa sẽ làm bạn cười trở lại nhưng tôi chắc chắn luôn có một bờ vai vững chãi để bạn tựa vào và có thể khóc cùng bạn”. Vâng , đôi khi văn hóa chỉ đơn giản là sự sẻ chia và đồng cảm với nhau trong suy nghĩ, để từ đó giành cho nhau những nghĩa cử yêu thương ấm áp mà người ta gọi đó là” tình người”. Chính tình người trong văn hóa sống đã dạy cho ta biết rằng: “Nếu bạn không thể mang lại hạnh phúc cho mọi người, thì ít nhất cũng đừng làm đau họ!”
Cuộc sống ngày nay hiện đại hơn, con người đầy đủ hơn về vật chất và tri thức nhưng ở đâu đó trong sâu thẳm trái tim và tâm hồn mỗi người, ta vẫn luôn thâý trống trải và thiếu vắng một cái gì đó không thể gọi tên, chỉ biết rằng nó đôi khi vẫn trở mình nhức nhối trong ta khi chúng ta có những khoảng lặng để ngẫm và suy lại bản thân.
Con người ngày nay sống gấp gáp hơn, vội vàng hơn và đôi khi là vô tình hơn với chính đồng loại của mình. Chúng ta làm đau đồng loại mà không biết, dửng dưng trước những bất hạnh mà không hay.Ta biện minh cho điều đó là phù hợp với thời đại công nghiệp, là bắt kịp với cuộc sống số và đổ lỗi cho vô vàn những lí do khác, trừ bản thân mình. Đó chính là cách mà chúng ta đã quên đi văn hóa sống giữa người với người. Hãy thử một lần sống chậm lại và nghĩ xa hơn, thử một lần thôi không hà khắc phán xét người khác, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho những khoảng trống cảm xúc không lời kia!
Trái đất của chúng ta là ngôi nhà chung của toàn nhân loại. Nó đồng thời cũng là một khối cầu rực rỡ với hơn 200 sắc màu văn hóa khác nhau của hơn 200 quốc gia. Mỗi quốc gia mỗi nền văn hóa khác nhau nhưng đều có những nét độc đáo trong bản sắc riêng, thể hiện qua ngôn ngữ, thức ăn, cách chào nhau, các phong tục tập quán dân tộc…của chính các nước đó.
Qua văn hóa, chúng ta hiểu được tại sao rượu VOKA của Nga lại ngon và nổi tiếng đến thế_chính bởi vì cái lạnh của xứ ấy đã làm cho con người phải học cách tự biết làm ấm người bằng những ly rượu đủ nóng và mạnh để có thể tiếp tục sinh tồn và phát triển. Ta cũng phần nào hiểu được tại sao người Pháp và người Ý lại gây ấn tương với cả thế giới bằng phong cách sống lãng mạn và lịch thiệp đến vậy. Phải chăng văn hóa hoàng gia và đế chế La mã hàng nghìn năm trước kia đã dạy họ như vậy?... Chắc chắn sẽ luôn là những bí ẩn vô tận và kỳ thú cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa phương Tây.
Mặt khác,chúng ta thường biết đến văn hóa châu Âu nói chung với những ấn tượng về bình đẳng, tự do, và cách suy nghĩ thẳng thắn, trực diện của họ. Ở các nước châu Âu, trẻ em dễ dàng bày tỏ với cha mẹ các quyền của mình,cha mẹ cũng dễ dàng chia se với con cái các kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, thậm chí là các biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục, đặc biệt là mọi người rất tôn trọng quyền về tự do thân thể của người khác, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trẻ em đủ 18 tuổi ở các nước phương Tây có thể tách ra khỏi bố mẹ để sống tự lập mà bố mẹ không có quyền ngăn cấm, hoặc những người già đến tuổi thường sẽ được con cái đưa vào các trại dưỡng lão. Dường như cách sống của họ thể hiện quyền tự do cá nhân đến tối đa.
Ngược trở về với nửa bán cầu còn lại của trái đất,đến với văn hóa phương Đông, ta lại cảm thấy có cái gì đó bó buộc ,phụ thuộc nhiều hơn giữa người với người. Chúng ta có thể thấy một nét chung đó là sự truyền thống trong văn hóa phương Đông. Trong gia đình phương Đông, con cái thường có sự giám sát của bố mẹ cho đến khi lập gia đình hoặc đôi khi là hơn thế, cha mẹ về già thường ở chung với con cái thay vì vào trại dưỡng lão. Có lẽ đó là cách sống như người ta vẫn nói với nhau: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Văn hóa sống đó có thể coi là bó buộc ,là không tôn trọng quyền tự do cá nhân theo cái nhìn của người phương Tây, nhưng hình như trong đâu đó, ta lại tìm thấy sự ấm áp, yêu thương nhau hơn giữa đồng loại con người. Con cái có thể lớn bao nhiêu tuổi đi nữa, nhưng trong cái nhìn của bố mẹ , vẫn luôn là những đứa trẻ cần bao bọc và che chở. Và có lẽ điều đó giúp cho những người con phương Đông luôn cảm thấy vững lòng khi bước chân ra ngoài xã hội. Ngược lại, khi bố mẹ về già, để tiện chăm sóc và phụng dưỡng bố mẹ, đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục, con cái thường đón bố mẹ về ở cùng. Mặt khác, điều này cũng phù hợp với tâm lý của người già ở phương Đông, khi cuộc đời đã ngả bóng về bên kia chân trời, họ luôn muốn gần lại con cháu để tìm lấy niềm vui và thanh thản lúc tuổi già. Người ta vẫn nói:” Người già và trẻ con thường giống nhau, có chăng chỉ khác về hình dáng bên ngoài”. Có lẽ điều đó đúng bởi khi ấy, con người ta cần cái tâm thanh thản hơn bao giờ hết! (Đã có những lúc tôi tự hỏi: “Không biết người già ở châu Âu có biết buồn và cô đơn?”, cũng có thể vì tôi là một người Á đông.)
Với văn hóa,theo một khía cạnh nào đó không chỉ thể hiện lối sống mà còn là sự phân biệt, đặc trưng giữa các quốc gia,các dân tộc trong một khối thống nhất. Chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra trong phương Đông truyền thống một Hàn Quốc với món kim chi cay nổi tiếng_một cách để con người nơi đây chống chọi với cái lạnh, một Nhật Bản nổi bật bởi phong cách làm việc tuân thủ sự nghiêm túc đến tối đa, hay chính là một Việt Nam với tên gọi thân thương” Đất nước của hòa bình”_bằng chính sự dễ thương của các cô gái Việt nhỏ nhắn, của người dân Việt thân thiện ngàn đời…Tương tự như vậy trong văn hóa phương Tây, một cường quốc Mỹ tự do, đa đảng, một nước Pháp hiền hòa, lãng mạn, hay một Hà Lan rực rỡ với vương quốc hoa tuy-lip cũng không thể bị pha lẫn.
Văn hóa ở mỗi quốc gia với những phong tục tập quán, thói quen hay nghi thức tình cảm, giao tiếp lại có những giá trị riêng và luôn là kho tàng khám phá thú vị, mới lạ cho những du khách. Bạn chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết người Indonesia chào nhau bằng cách đặt tay lên ngực của đối phương, dù đó là người cùng giới hay khác giới. Nếu ở các nước khác, đó có thể coi là hành vi xâm phạm quyền thân thể, nhưng với người Indonesia, điều đó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Tương tự như vậy, trong một bộ phận dân tộc thiểu số ở Kawa, châu Phi, lắc đầu có nghĩa là đồng ý và gật đầu lại đồng nghĩa là từ chối. Chắc chắn nếu không biết về những thói quen nghi thức như vậy, chúng ta sẽ gặp phải không ít rắc rối khi ở nước bạn.
Hoặc như trong cách chào nhau hàng ngày, cũng luôn có những thú vị và đặc trưng theo từng quốc gia, khu vực. Người Việt thân thiện, cởi mở, khi gặp nhau thường chào nhau bằng những câu hỏi mang tính hỏi thăm,quan tâm gần gũi với thường nhật, như:” Bác mới thăm đồng về ạ!”, hay “ Anh mới qua chơi ạ!” và nhất là bằng những nụ cười mến khách. Nhưng nếu đến đất nước Nhật Bản, người Nhật vốn nguyên tắc và coi trọng lễ nghi, khi chào nhau, nếu là nữ thì sẽ đặt tay một tay lên phía ngực áo và cúi chào, là nam thì hai tay áp sáp hai bên đùi, trong tư thế nghiêm và cúi chào. Theo quan niệm của họ, cách chào như vậy thể hiện sự nghiêm túc và tôn trọng tối đa. Có thể nói rằng, mỗi nền văn hóa chính là một bông hoa rực rỡ , mang những vẻ đẹp và hương sắc riêng trong cả rừng hoa văn hóa của nhân loại.
Đặc biệt ngày nay, do nhu cầu phát triển của kinh tế và xã hội, đã xuất hiện sự giao thoa văn hóa giữa các quốc da,các dân tộc trong cùng quốc gia. Thông qua sự giao lưu trao đổi kinh tế, các nước có điều kiện tìm hiểu và học hỏi các nét văn hóa độc đáo , đặc sắc của nhau, từ đó tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến để làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa dân tộc của mình. Đó cũng chính là một cách để phát triển có hiệu quả và đồng đều nền văn hóa chung của nhân loại.
Ngày nay, văn hóa không chỉ được hiểu là cách cư xử giữa người với người trong cộng đồng nhân loại mà còn được đánh giá qua cách con người ta đối xử với thiên nhiên, môi trường, và với chính bản thân mình.
Các quốc gia hiện nay luôn muốn khai thác tối đa các tiềm năng tự nhiên để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp của mình. Chính điều này đã làm suy kiệt nguồn tài nguyên quốc gia nói riêng và tài nguyên thế giới nói chung. Khoáng sản cạn kiệt, đất đai, không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, tầng ôzôn bị phá hủy, các loại động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng. Đó chính là những gì mà con người trả lại cho bà mẹ thiên nhiên sau khi Người đã hào phóng ban tặng cho chúng ta những điều kiện vật chất thiết yếu phong phú để sinh tồn. Chúng ta đã không hiểu trong một thời gian dài rằng, phong phú không có nghĩa là vô tận. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta đã từng nghĩ đến những con chim cánh cụt ,những con gấu bắc cực sẽ đi đâu, về đâu , sẽ sống thế nào khi Bắc Cực cũng bị tan ra theo những tảng băng? Hay đơn giản hơn là bầy chim cò nơi đất rừng U Minh sẽ biết trú ẩn nơi đâu khi mà rừng đang bị phá trộm hàng ngày?... Xét theo văn hóa hiện đại, có thể nói loài người đã cư xử vô văn hóa với tự nhiên!
Hậu quả là chính chúng ta đang phải gánh chịu sự nổi giận của tự nhiên, khi mà bão lụt ngày càng nhiều hơn, sóng thần, động đất xảy ra không còn là sự hiếm họa, trái đất đang nóng dần lên, băng tan, v.v.. Đây chính là cái giá mà con người phải trả cho sự vô tâm của mình,hoặc thậm chí có thể gọi là vô ơn của mình trước thiên nhiên. Đáng nói hơn là chính con người, vì muốn khai thác lợi nhuận tối đa trong tự nhiên mà đang tâm xâm chiếm, tàn sát lẫn nhau. Họ “đốt” tiền, “đốt” sức người, “đốt” theo luôn cả tự nhiên trong những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Như vậy, không chỉ vô ơn, vô tâm với tự nhiên mà họ còn vô tâm với chính đồng loại. Hiểu theo một cáhc nào đó thì hình như loài người đã thiếu tôn trọng với chính mình. Văn hóa ở đây dường như bị xâm hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên,may mắn thay cho chúng ta là không phải đa số loài ngừơi đều như vậy. Hiện nay chúng ta đã và đang có nhiều những tổ chức như “Hòa bình xanh”, UNESCO, “Volunteer for peace”,v.v…đó là những tổ chức thay mặt cho loài người thể hiện sự trân trong, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Chúng ta đã có danh sách những loài động, thực vật quý hiếm cần bảo vệ và các biện pháp thực tế cả về vật chất lẫn tinh thần,cả về giáo dục lẫn tài chính để làm được điều đó. Rất nhiều các tình nguyện viên quốc tế đã đến các nước có tình trạng ô nhiễm về nguồn nước, bờ biển , đất…để tham gia các buổi làm sạch thiên nhiên. Họ đến với tinh thần chung tay giúp đỡ vì một thiên nhiên xanh,sạch, đẹp mà không phải vì bất kì lí do vụ lợi nào. Các nước trên thế giới cũng đã nhiều lần ngồi lại với nhau để họp bàn về tình hình thời tiết, khí hậu thay đổi, hiện tượng “hiệu ứng nhà kính”…để tìm được tiếng nói chung cho các giải pháp toàn cầu. Những nguyên liệu có thể thay thể các khoáng sản và nguồn năng lương tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt đã và đang được nghiên cứu ứng dụng. Chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh những bình nước nóng,những lò sưởi sử dụng năng lượng mặt trời, những nguồn điện năng được sản sinh từ năng lượng gió. Cây xanh và rừng đang được quan tâm, trồng và bảo vệ nhiều hơn bao giờ hết. Chúng ta hiểu rằng, đó là lá phổi xanh của trái đất, không có cây xanh, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không có ôxi để thở! Các hình thức xử phạt tài chính cho những vi phạm chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt thú quý hiếm, cố ý gây ô nhiễm môi trường đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ tự nhiên. Tất cả đều thể hiện những nỗ lực không ngừng của con người để cứu lấy tự nhiên, cứu lấy trái đất, cũng là cứu lấy chính loài người!
Tóm lại, văn hóa không phải là một khái niệm xa vời, khó hiểu mà được thể hiện ngay trong những cách hành xử quen thuộc hàng ngày của con người.Đó chính là cách mà con người đối xử với nhau, với thiên nhiên và với chính bản thân mình. Không nhất thiết phải có trình độ cao mới có được cách hành xử văn hóa. Theo tôi, vấn đề cốt lõi chính là trong nhận thức và suy nghĩ của mỗi người. Nhìn nhận vấn đề toàn diện, liên tục nâng cao nhận thức, quan sát nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, dám thử và dám chấp nhận thất bại_ đó có lẽ là cách tốt nhất để chúng ta học được cách hành xử có văn hóa ở một đẳng cấp cao hơn!

linh.trangnguyen.hrmb

Tổng số bài gửi : 7
Join date : 09/08/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết