EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_PHUONG LY LINH

Go down

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_PHUONG LY LINH Empty TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_PHUONG LY LINH

Bài gửi  phuongll Fri Sep 17, 2010 9:40 pm

Student’s name: PHUONG LY LINH
Class: TN15G
Lesson: LANGUAGE AND CULTURE
Ha Noi, September 16th, 2010

Dear Mr Viet Anh,
Here is my homework about language and culture.


VĂN HÓA TRUNG HOA VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VĂN HÓA CÁC NƯỚC VIỆT NAM, HÀN QUỐC


Trong ngoại giao, tìm hiểu kĩ về văn hóa đối phương là rất quan trọng, qua đó, chúng ta sẽ thấy được phần nào suy nghĩ, ý định…của họ. Vì vậy, là một nhà ngoại giao, không những phải tìm hiểu về văn hóa Việt Nam mà tìm hiểu về văn hóa những nước khác trên thế giới là một điều hết sức cần thiết. Có câu “Viễn giao cận công” tạm có thể hiểu là nước nào ở xa thì giao hảo giữ mối quan hệ, tiến đánh những nước ở gần, một lý thuyết căn bản trong ngoại giao cổ. Tuy không được sát nghĩa và đúng hoàn cảnh lắm, nhưng tôi xin phép được vận dụng hai chữ “cận công” chọn “Văn hóa Trung Hoa và ảnh hưởng của nó đến văn hóa các nước Việt Nam, Hàn Quốc” là mục tiêu tìm hiểu đầu tiên.
Theo tài liệu Ngôn ngữ và Văn hóa của PGs P.B.Việt Anh: “Văn hóa là cách hành xử của con người với con người, của con người với xã hội, của con người với thiên nhiên môi trường, của con người với chính bản thân mình. Văn hóa tồn tại cả dạng vật chất và tinh thần”. Nền văn hóa Trung Quốc là một trong những văn hóa lâu đời và súc tích nhất của nhân loại. Tuy vậy, không ai có thể nói rằng mình hiều được văn hóa Trung Hoa, đó là một thế giới mênh mông tổng hợp của ít nhất 5 nền văn hóa khác nhau của các tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng…
Lịch sử văn hóa Trung Quốc trải qua không ít thăng trầm, trải qua chiều dài lịch sử hàng ngàn năm nhưng chưa hề bị đứt đoạn, một trong những thành tựu to lớn cũng như công cụ để lưu trữ những thành tựu khác của nền văn hóa đó chính là chữ Hán. Theo nhiều tài liệu, chữ Hán bắt nguồn dựa trên việc quan sát đồ vật xung quanh và viết thành dạng chữ tượng hình và trải qua nhiều thời kì phát triển từ chữ Giáp Cốt (loại chữ Hán được cho là cổ nhất, xuất hiện từ đời nhà Ân, tiếp tục phát triển qua các thời nhà Chu, Chiến Quốc, nhà Hán) đến chữ Kim, chữ Triệu, chữ Khải, Chữ Thư. Từ xa xưa, chữ Hán đã được viết trên mai rùa, đồ đồng xanh, trên đá, trên lụa, trên thẻ tre thẻ gỗ trước khi phát minh ra giấy. Nhờ có sự thống nhất về mặt Hán tự, nhiều tác phẩm văn học, thơ ca, lịch sử Trung Hoa… được khắc họa rõ nét và lưu truyền đến ngày nay. Cùng với sự xuất hiện bút lông, mực, nghiên và giấy đã sáng tạo ra nghệ thuật viết chữ Hán được gọi là thư pháp, một nghệ thuật cống hiến cho nhân loại một phương thức bày tỏ tư tưởng tình cảm độc đáo biểu hiện qua từng nét bút với tiết tấu nhanh chậm, nét mực đậm nhạt... Ngày nay, chữ Hán ở Trung Quốc đã có xu thế được giản lược hơn và chủ yếu sử dụng hai loại chữ Phồn Thể và chữ Giản Thể. Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, chữ hán là một trong những văn tự cổ nhất được sử dụng cho đến ngày nay.
Văn hóa Trung Hoa chịu sự chi phối của những hệ tư tưởng chủ đạo sau: Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Phật giáo… Đại biểu cho phái Nho gia là Khổng Tử. Nho gia đề cao chữ nhân, chủ trương lễ trị, phản đối pháp trị, Nho gia đề cao Tam cương, Ngũ thường cùng với tư tưởng Chính danh định phận và đề cao tư tưởng Thiên mệnh. Giá trị quan trọng nhất trong tư tưởng của Khổng Tử là về giáo dục. Ông chủ trương dạy học cho tất cả mọi người. Lão Tử và Trang Tử là đại biểu của Đạo gia, hai ông thể hiện tư tưởng của mình qua hai tác phẩm Đạo đức kinh và Nam Hoa Kinh. Tư tưởng hạt nhân của Đạo giáo là tư tưởng thân tiên cho rằng sống là một việc sung sướng nên học trọng sinh, lạc sinh. Pháp gia, đi ngược lại với Nho gia, chủ trương “pháp trị” coi nhẹ “lễ trị”. Ba tư tưởng trên chính là “Tam vị nhất thể” tạo nên sức mạnh văn hóa cho Trung Hoa thời cổ đại, theo đó, con cái phải biết hiếu thảo với mẹ cha, với anh thì dễ với em thì nhường, phải trọng quí với bạn bè, phải biết cái lẽ: “Quân, Sư, Phụ”… Phật giáo bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào thế kỉ thứ nhất sau Công Nguyên dần dần trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc. Hiện nay trên toàn Trung Quốc có khoảng 13000 ngôi chùa miếu Phật giáo trong đó có rất nhiều công trình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như Lạc Sơn Đại Phật, Nga Mi Sơn, Ngũ Đài Sơn…
Văn hóa Trung Hoa gắn liền với nông nghiệp và chế độ phong kiến. Vì gắn liền với nông nghiệp nên phong tục về những ngày Lễ tết của Trung Quốc từ xưa đều lấy “Nông lịch” làm chuẩn trong sinh hoạt, canh tác… Cho nên, Tết Nguyên Đán (tết Xuân), tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu, Đông Chí… là những mốc liên quan chặt chẽ đến thời vụ nông nghiệp. Những lễ tết này vẫn còn gìn giữ đến ngày nay. Nội dung của những lễ tết chủ yếu là “cầu phước”, “tiêu trừ tai nạn”, “trời người hợp nhất”… Chế độ phong kiến gắn liền với quan niệm “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ dường như luôn ở thế bị động trong mọi trường hợp, lấy chồng theo sự chỉ định của cha mẹ, cưới chồng phải tuân theo chồng hoàn toàn, có thể bị chồng bỏ bất cứ lúc nào… Cũng chính do quan niệm này kết hợp với chính sách chỉ được sinh một con mà Trung Quốc áp dụng một số năm về trước nhằm giảm tỉ lệ sinh đã gây nên sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc hiện nay. Do đó, cùng với sự phát triển của xã hội kêu gọi sự bình đẳng giữa nam và nữ, nên vị thế của phụ nữ ở Trung Quốc ngày càng được cải thiện.
Văn học, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, y dược học của Trung Quốc cũng phát triển từ rất sớm. Không ai khi nhắc đến văn hóa Trung Quốc lại không nhắc đến thơ Đường với Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị hay nhắc tới những tiểu thuyết có giá trị kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần… Về kiến trúc cũng có rất nhiều di sản văn hóa như Vạn Lý Trường Thành, Thành Tràng An, Cố cung, Tử cấm thành… Kinh kich là một loại hình nghệ thuật diễn tuồng cũng xuất hiện từ thời nhà Đường được gìn giữ đến tận bây giờ, tuy giới trẻ Trung Quốc không còn dành nhiều sự quan tâm cho Kinh kịch nữa nhưng trong các buổi biểu diễn văn hóa lớn của Trung Quốc thì không thể thiếu được những tác phẩm Kinh kịch.
Xuất hiện lần đầu tiên dưới thời nhà Thanh, Xường Xám với kiểu cổ cao tròn ôm sát, ống tay hẹp, hàng khuy nối các vạt với nhau được cách điệu từ Kì Trang, ban đầu chỉ có thiếu nữ Thượng Hải mặc sau đó lan rộng rồi trở thành trang phục truyền thống của người Trung Quốc.
Trong giao tiếp, có một số phong tục rất đáng chú ý và ghi nhớ đó là: Người Trung Hoa rất kị màu trắng nên nếu không cần thiết thì không nên mặc đồ trắng, gói quá bằng giấy màu trắng vì màu trắng đối với họ gắn liền với tang thương chia ly; Số 4 là số rất kiêng kị, không nên nhắc tới hay tặng quà mà có số này vì trong tiếng Hán, phát âm số 4 gần giống với chữ “tử”; Đầu là một nơi cực kì linh thiêng, vì vậy, không nên xoa đầu trẻ con và tối kị không làm như vậy với người lớn; khi ăn thì không được lấy đũa gõ vào chén hay bất cứ thứ gì để tạo ra tiếng động, đó là báo hiệu sự xui xẻo sắp đến đối với người Trung Hoa. Trong công việc, người Trung Hoa rất coi trong mối quan hệ cá nhân, rất coi trọng thời gian và coi trọng tính giai cấp. Trong ứng xử, khi bắt tay, người Trung Quốc bắt tay lỏng, nhẹ nhàng, luôn chào hỏi người có chức quyền cao nhất chứ không chào hỏi phụ nữ trước, họ cũng không dùng ngón tay chỉ về người được giới thiệu. Ở Trung Quốc, bạn cũng không được phê trách thẳng thắn và công khai mà nên diễn giải theo cách khác.
Trên đây là một số nét cơ bản về văn hóa Trung Hoa. Trong quá trình phát triển của mình, khi văn hóa Trung Hoa phát triển rực rỡ và các dân tộc xung quanh còn ở trình độ thấp thì việc lan truyền văn hóa là điều không thể tránh khỏi, vì vậy các nước Đông Nam Á và Đông Á đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng mỗi nước lại có những cách thức khác nhau để tiếp nhận nền văn hóa đó rồi xây dựng nên nền văn hóa của riêng đất nước mình. Trong bài này, tôi xin được nhắc đến Việt Nam và Hàn Quốc.
Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng hệ thống chữ Quốc ngữ, nhưng không ai có thể phủ nhận được yếu tố Hán trong tiếng Việt cả. Từ Hán Việt được sử dụng hàng ngày, và trong một số trường hợp được sử dụng ưu tiên hơn cả tiếng Việt. Ví dụ trong trường hợp giữa 2 từ “phu nhân” và “vợ”, hai từ này có khác nhau chút nào về mặt ý nghĩa không? Và câu trả lời là không, nhưng thử hỏi, trong đoàn ngoại giao, sẽ không ai giới thiệu: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng vợ” mà lúc nào cũng phải là: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân”. Ngay cả trong phát âm, cũng có rất nhiều từ có phát âm giống nhau, có thể lấy ngay ví dụ với từ Trung Quốc, trong tiếng Hán được viết là 中国 phiên âm là /Zhōng guó/ khi đọc lên nghe rất giống nhau, tương tự trong tiếng Hàn Quốc khi viết bằng Hangul có nghĩa là 중국 phiên âm là /chung guk/.
Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy, hệ tư tưởng của nước ta cũng tiếp thu một phần không nhỏ của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Có thể nói Phật giáo không bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, nhưng cho đến khi bị Bắc thuộc thì nước ta mới tiếp nhận tư tưởng này. Nho giáo trong một thời kì dài còn được sử dụng là nội dung học chính thức của văn sĩ nước ta, được dậy trong trường đại học đầu tiên của nước ta “Quốc Tử Giám”. Hiện nay, trong Quốc Tử Giám vẫn còn treo Tam Tự Kinh, thờ Đức Khổng tử. Còn ở Hàn Quốc, khi Nho giáo du nhập vào vương triều Triều Tiên, triều đình nước này đã thực thi triệt để chính sách “Tông Nho Ức Phật, trở thành quốc gia có tư tưởng Nho giáo rất mạnh mẽ.
Và một điều không thể không nhắc đến đó là những Lễ tết ở Việt Nam, Hàn Quốc cũng là du nhập hay bị ảnh hưởng không nhỏ. Ở Việt Nam, Hàn Quốc cũng mừng tết Nguyên Đán như ở Trung Quốc, cũng coi đây mới là ngày tết chính thức trong năm. Ở Việt Nam cũng đón tết Trung Thu với bánh nướng…
Nói như vậy không có nghĩa là văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc bị ảnh hưởng hoàn toàn của văn hóa Trung Quốc.
Không ai có thể đánh đồng tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc với tiếng Hán được, nếu giống nhau thì khi mua phim Trung Quốc hay Hàn Quốc về thì người ta sẽ không phải thuyết mình lồng tiếng phụ đề, hay khi chuyển nhượng phim “Mười” sang Hàn Quốc họ cũng không cần làm koreansub nữa! Tiếng Việt có một bảng chữ cái gồm 29 chữ cái cùng 9 dấu phụ vẫn tự hào với “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, Hàn Quốc thì đã dùng bảng chữ Hangul với 14 phụ âm và 10 nguyên âm từ thế kỉ thứ 15 dưới triều đại vua Sejong.
Nho giáo tuy phát triển rất mạnh ở Hàn Quốc ngay sau khi nhập vào, nhưng đến sau năm 1945, Thiên chúa giáo đã phát triển nhanh chóng, đến nay đã có khoảng 35% dân số theo đạo Thiên chúa, gần 50% theo đạo Phật. Còn Nho giáo ở Việt Nam đã khác Nho giáo ở Trung Quốc lắm rồi, cái khác biệt cơ bản đó chính là cái lõi “bất biến” của Nho giáo. Nếu như Nho giáo Trung Quốc dạy rằng phải lấy quan hệ vua tôi là số một, thần phải trung với vua hoàn toàn thì Nho giáo Việt Nam lại theo truyền thống lấy quan hệ giữa nước với dân làm đầu.
Dịp lễ Tết đúng là giống nhau, có nhiều nét chung nhưng mỗi nước lại có phong tục đón tết riêng. Tết Nguyên Đán đến, người Việt có bánh Trưng bánh Giầy truyền lại từ thời Văn Lang, người Trung Quốc có cá có đậu phụ có sùi cảo tượng trưng cho sự phú quý và dư thừa, ở Hàn Quốc lại đốt thanh tre đuổi ma quỷ và có món Ttokkuk trên bàn thờ…
Đặc biệt, văn hóa ẩm thực mỗi các nước tuy giống mà lại khác nhau rất nhiều. Giống ở chỗ, trong bữa cơm của mỗi nước không thể nào thiếu được món cơm. Nhưng lại khác nhau rất nhiều về thức ăn, Trung Hoa với nhiều trường phái ẩm thực khác nhau nhưng nổi tiếng nhất với món ăn Tứ Xuyên đặc biệt chú trọng về sắc, hương, vị, hình, nhất là có khá nhiều vị và nồng đậm gồm: tê, cay, mặn, ngọt, chua, đắng, thơm, trộn lẫn khéo léo, biến hóa linh hoạt. Hàn Quốc lại rất thích ăn thịt cùng các món ăn trộn nhiều màu sắc theo nguyên tắc âm dương và không thế thiếu được kimchi-món dưa muối truyền thống. Món ăn Việt Nam mỗi miền mỗi khác, nhưng lại đặc trưng bởi nước canh và sử dụng nhiều loại rau, người Việt Nam thích dùng nguyên liệu phụ như rau thơm như hung, tía tô, hành…gia vị thực vật như ớt, tiêu, tỏi…cùng những gia vị lên men như mẻ, bỗng rượu…để chế biết thức ăn, và nét đặc biệt không thể thiếu trong bữa cơm Việt là “bát nước mắm” hay nhiều loại nước chấm khác.
Có thể khẳng định lại rằng, văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa phát triển rất sớm, đạt được những thành tựu rực rỡ, có tầm ảnh hưởng rất lớn tới các nước lân cận. Tuy vậy, ảnh hưởng đó lại chưa đủ sức để đồng hóa các nước xung quanh như Hàn Quốc, Việt Nam. Chính nhờ vậy, mà văn hóa nhân loại mới được có được tà áo dài Việt Nam thướt tha trong gió, bộ hanbok Hàn Quốc kín đáo trong từng bước đi.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tài liệu “Ngôn ngữ và văn hóa”_PGs. Bùi Phương Việt Anh
2. http://vnics.org.vn
3. http://www.vanhoahoc.edu.vn
4. http://www.vhttdlvinhphuc.vn/Channel.aspx?rc=tapchivh&c=Xuan2008&a=783
5. http://cnx.org/content/m28611/latest/
6. http://vi.wikipedia.org
7. http://tailieu.vn


Wish you a good day!

Your student
Phuong Ly Linh


phuongll

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 13/09/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết