EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_HUONG NGUYEN THI_17th September 2010

Go down

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_HUONG NGUYEN THI_17th September 2010 Empty TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_HUONG NGUYEN THI_17th September 2010

Bài gửi  Sunday_24h Fri Sep 17, 2010 11:37 pm


Student’s name: HUONG NGUYEN THI
Class: TN15G
Lesson: Language and Culture
Ha Noi, September 17th, 2010


Dear Mr Viet Anh,
Here is my homework about language and culture.

NGHỆ THUẬT TRANH ĐÔNG HỒ
1. Lời mở đầu
Tranh dân gian là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú và đa dạng. Trong các dòng tranh dân gian, tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới hầu như ai cũng đều biết. Tranh gần gũi, gắn với làng quê, ngõ xõm, với cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
2. Tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
2.1 Đặc điểm in ấn
Nhìn vào một bức tranh dân gian Đông Hồ, người xem không khỏi trầm trồ, thú vị trước những màu sắc phong phú, tươi tắn; những hình khối, đường nét tuy đơn giản nhưng sống động, gần gũi với đời sống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi bức tranh có từ bẩy đến tám màu nhưng mỗi màu phải in theo một trình tự nhất định: đầu tiên là màu đỏ, rồi xanh, tiếp đến là trắng, hồng hoặc vàng và cuối cùng là màu đen. Mỗi một màu của bức tranh lại đi kèm với một bản khắc bằng gỗ thị.
Tuy nhiên vì in trên ván gỗ một cách thủ công, nên tranh bị hạn chế về mặt kích thước, thông thường các tờ tranh không lớn quá 50 cm mỗi chiều. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân, những hình ảnh của cuộc sống thường ngày ... như “bừng” sáng trên giấy dó. Mọi giai đoạn đều đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, cầu kì, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp.
2.2 Giấy in và màu sắc
Tranh Đông Hồ đã được nhắc đến đầy tự hào và kiêu hãnh trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm như một đặc sản nghệ thuật của vùng quê Kinh Bắc. Một trong những yếu tố làm nên đặc sắc của tranh Đông Hồ chính là màu sắc và chất liệu giấy in. Đó là những chất liệu được chế biến thủ công từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen được làm từ than xoan hay than lá tre, màu xanh là gỉ đồng và lá chàm, màu vàng của hoa hòe và săc đỏ của sỏi son, gỗ vang, v.v.
2.3 Nội dung tranh
Tranh Đông Hồ nổi tiếng khắp trong ngoài nước không chỉ bởi chất liệu đặc biệt, màu sắc độc đáo mà còn bởi nội dung phong phú. Những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn với cuộc sống của con người Việt Nam.
Nội dung tranh gồm có 5 thể loại:
- Tranh thờ: Bộ ngũ sự
- Tranh lịch sử: Hai Bà Trưng, Bà Triệu
- Truyện tranh: Thánh Gióng, Truyện Kiều, Thạch Sanh
- Tranh chúc tụng: Vinh hoa – Phú Quý, Nghi Xuân, Gà đàn
- Tranh sinh hoạt: Đánh ghen, Chăn trâu thổi sáo, Nhà nông, Đám cưới chuột, Hứng dừa,…
Với những màu sắc tươi sáng, các nhân vật sống động, tranh chuyển tải nhiều nội dung sâu sắc về tín ngưỡng, đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Đi cùng với tục lệ thờ cúng tổ tiên là bộ tranh thờ. Bộ tranh hoàn chỉnh bày trên bàn thờ gia tiên gồm có 8 bức gồm bộ tranh chủ (5 bức) và 3 chữ đại tự (3 bức). Bộ tranh chủ là đôi câu đối Tứ thời xuân tại thủ - Ngũ phúc thọ vi tiên (Trong nhà bốn mùa là mùa xuân - Nhà có năm thế hệ cùng chung sống là có phúc). Ba chữ đại tự có thể là 3 chữ Thọ hoặc Phúc - Mãn - Đường, Tích - Thiện - Đường hoặc Đức - Lưu - Quang. Đặc biệt, các chữ này đều được vẽ theo kiểu long - ly - quy - phượng, bốn con vật cao quý trong tín ngưỡng của người Việt.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, mọi nhà đều có thói quen mua tranh về treo. Trong đó không thể thiếu được là hai bức Vinh Hoa - Phú Quý vẽ hai em bé trai và gái ôm hai con gà vịt. Tưởng chừng như đơn giản nhưng bức tranh lại mang một ý nghĩa rất độc đáo: mong năm mới gia đình được bình yên, làm ăn khấm khá hơn, có cả con trai lẫn con gái như các cụ xưa từng nói “có nếp có tẻ”.
Với sự sáng tạo của các nghệ nhân cuộc sống của người Việt đã đi vào trong tranh rất tự nhiên và gần gũi. Đó là cảnh đánh ghen, là hình ảnh chú bé chăn trâu, là hội vật võ, chơi xuân,… Không những nội dung độc đáo mà cách kết hợp giữa nội dung và màu sắc mới thật sự tinh tế. Như tranh đánh ghen với 2 gam màu chủ đạo màu đỏ và màu vàng. Nều màu đổ lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí ghen tuông, nền màu vàng thể hiện cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt thay cho cảnh làng quê yên bình. Màu sắc đã lột tả nên thần thái của bức tranh.
Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay - ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh dân gian với những cách thể hiện rất riêng. Như tranh gà thủ hùng khắc họa một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Bằng ngôn ngữ ước lệ, các con gà được cách điệu hóa, chúng sống động mà không cần giống thực. Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc - tạo nên sự nũng nịu. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên - tạo nên tư thế chủ gia đình, che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình. Trên tranh có dòng chữ nôm "Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông" một lời chúc thật sâu sắc! Bức tranh này được xây dựng từ câu phương ngôn: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".
Con trâu "đầu cơ nghiệp của nhà nông", cũng được các nghệ nhân Đông Hồ dành nhiều tâm huyết. Tranh cưỡi trâu thổi sáo có chữ: "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh). Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô - ý tưởng thật thú vị. Con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta cùng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình...Tranh cưỡi trâu thả diều có chữ "Vũ thu phong nhất tướng" (Một hình ảnh gió thu múa). Một cậu bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều thật thú vị.Dưới bức tranh là câu: " Đầu đội nón mé như lộng che - Tay cầm cành tre như roi ngựa". Thực tế khó có thể nằm trên lưng trâu mà dong cánh diều như vậy. Thế mà ngắm tranh ta vẫn thấy tự do, khoáng đạt.
Hay như tranh Nhân nghĩa vẽ hình em bé ôm chú cóc một cách trìu mến có chú thích chữ "nhân nghĩa" ấy chính là lời cầu chúc cho các cháu bé được tặng tranh có được cái Nhân,cái Nghĩa như con cóc tía trong truyện cổ tích: mình mẩy tuy có thể xấu xí, bé nhỏ song dám lên kiện cả ông trời để đòi mưa cho dân làng. Và đám cưới chuột vừa hài hước vừa châm biếm sâu sa. Hài hước ở chỗ chuột cũng đi rước dâu lấy vợ. Nghệ thuật nhân hóa đã biến những chú chuột mang dáng dấp như con người.
Châm biếm ở chỗ chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống cho mèo. Trên bức tranh có hai chữ Nghênh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh chính đại diện cho tầng lớp phong kiến. Còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân bị áp bức trong xã hội cũ.
Ngoài ra, tranh còn có những hình ảnh sung túc như chơi xuân, cảnh trai gái cùng nhau hái dừa, cảnh cá chép nhiều màu vẫy đuôi... thể hiện mong muốn về sự sung túc, đầy đủ…
3. Kết Luận
Dòng tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian tồn tại ở miền Bắc Việt Nam. Trải qua những biến cố của lịch sử mỗi dòng tranh có số phận riêng của nó. Riêng dòng tranh dân gian Đông Hồ trải qua rất nhiều nấc thăng trầm đến nay vẫn đang tồn tại đầy sức sống và là hiện diện của một làng nghề truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày nay lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: làng Đông Hồ ngày nay có thêm nghề làm vàng mã. Nghề giấy dó ở làng Yên Thế (Bưởi, Tây Hồ) cũng đã không còn. Người làm tranh chạy theo lợi nhuận, màu sắc của tranh cũng không thắm như xưa. Tuy thế tranh Đông Hồ vẫn đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
- Bài giảng “Ngôn ngữ và văn hóa” - PGS. Bùi Phương Việt Anh
- Website http://tranhdongho.com.vn
- Website http://www.cinet.gov.vn
- Website http://www.wikipedia.com
- Website http://tailieu.vn

Sunday_24h

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 09/09/2010
Age : 34
Đến từ : Thanh Hoa city

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết