EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_HIEN HOANG THI THU_17th September 2010

Go down

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_HIEN HOANG THI THU_17th September 2010 Empty TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_HIEN HOANG THI THU_17th September 2010

Bài gửi  chipcoi89 Fri Sep 17, 2010 11:49 pm

Student’s name: Hien Hoang Thi Thu
Class : TN15G
Lesson : Language and culture
Ha Noi, september 17th 2010
Dear Mr Viet Anh!
This is my homework.
Hà Nội trong mắt tôi
Đã 9 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Nội, thế mà cái cảm xúc của ngày ấy vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Đó là cảm xúc bồi hồi, bâng khuâng khi lần đầu đặt chân lên mảnh đất mới với những con người mới. Có mẹ đi bên cạnh thế nhưng tôi vẫn có cảm giác không an toàn. Mặc dù vậy Hà Nội trong tôi vẫn là một cái gì đấy rất thiêng liêng, với phố phường đông đúc nhộn nhịp, với những mái nhà cao tầng nối đuôi nhau san sát, với những con phố rợp bóng cây. Những ngõ ngách nhỏ quanh co lấp loáng ánh đèn, những con phố nhỏ vòng vèo gấp khúc rồi cũng giao nhau tại một nơi nào đó… 5 năm sau lần thứ 2 tôi đặt chân lên vùng đất ấy, cảm xúc trong tôi lại ào ạt tràn về. Tôi vẫn có cảm giác không an toàn, tôi sợ vùng đất ấy, tôi sợ nó sẽ nuốt chửng lấy tôi bất cứ lúc nào có thể. Tôi thấy mình thật là nhỏ bé, lẻ loi. Thế nhưng tôi vẫn yêu Hà Nội, yêu tất cả những gì thuộc về Hà Nội. Trong tôi Hà Nội vẫn là một cái gì đó rất bí ẩn và tôi sẽ dần dần khám phá hết những gì thuộc về nó.
Nhắc đến Hà Nội điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến là người Hà Nội và văn hóa giao tiếp của người Hà Nội. Nếu giao tiếp là thường xuyên ở bất cứ thời gian nào, và thường trực trong bất cứ một không gian lịch sử và xã hội nào, thì văn hoá giao tiếp lại là sản phẩm của từng lúc, từng nơi. Văn hoá giao tiếp phụ thuộc, đồng thời cũng phản ánh và thậm chí tác động trở lại với rất nhiều điều kiện và hoàn cảnh xã hội, kinh tế, tự nhiên cũng như từng cá nhân và năm tháng nữa. Do đó mới có văn hoá vùng, miền, địa phương, cá nhân, cũng như có văn hoá nông thôn, đô thị, có văn hoá quý tộc và bình dân...
Dù chỉ là một khía cạnh của văn hoá nói chung song văn hoá giao tiếp cũng là cả một lĩnh vực tổ hợp của nhiều yếu tố: ăn, mặc, nói năng, ứng xử...

Nói về văn hoá giao tiếp của mình người Hà Nội chỉ gói gọn trong hai chữ Thanh và Lịch:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Chỉ bằng một câu nói ví von ngắn gọn, nhã nhặn, nhún nhường vậy thôi cũng đã cho ta thấy cái lịch lãm, tế nhị, tự tin của người Hà Nội. Những con người sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hoá, để rồi thẩm thấu, chắt lọc và toả sáng.
Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội là ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước. Thiếu nữ Hà Nội ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào như rót mật vào tai. Rất nhiều người vì mê mẩn giọng nói của con gái Hà Nội mà không thể rời xa nơi đây và đã ở lại gắn bó với mảnh đất này.
Cái thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện trong giao tiếp xã hội. Người Hà Nội với vốn từ giàu có, lại biết sử dụng đúng nơi đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình, tạo nên một phong cách riêng không pha trộn vừa hào hoa, nhã nhặn, vừa lịch lãm nhún nhường.
Trong quan hệ với bạn bè, khách khứa, người Hà Nội bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô bạo, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, người chủ dù bận việc cũng phải đứng dậy mời chào. Nếu đang mặc quần áo ngắn, quần cộc, áo cánh thì phải “xin lỗi” khách, mà mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi mới tiếp khách.
Trong cách pha trà đãi khách của người Hà Nội cũng thể hiện trình độ và sự tinh tế riêng. Chè để đãi khách bao giờ cũng là chè ngon, có nhà cẩn thận còn đem ướp sen, nhài hay hoa ngâu để tăng thêm hương vị.
Trong ăn uống của người Hà Nội cũng có những nét khác biệt và thể hiện một trình độ thẩm mỹ hay nói đúng hơn là năng khiếu trong việc chế biến món ăn. Chỉ cần quan sát mâm cơm ngày tết hay mâm cơm khách của người Hà Nội là thấy ngay được tính lịch sự và chu đáo trong đó. Trong một mâm bao giờ cũng có rất nhiều món, mỗi món một chút, mỗi món cho một khẩu vị riêng.
Đặc biệt, cách bài trí các món ăn đều được trình bày rất đẹp và hấp dẫn. Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nền nếp “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách khứa. Khi đi ăn tiệm thì cũng rất sành điệu để tìm nơi, tìm vị, chọn thời, chọn cơ, mà đã hợp với nơi nào thì thuỷ chung với nơi đó.
Chính chất sành điệu trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã làm ra biết bao món ăn nổi tiếng và trở thành đặc sản chốn Thượng Kinh: phở, bún thang, chả cá, cốm vòng, rươi...
Những món ăn ngon ấy phải kể đến “Bún ốc Tây Hồ - Pháp Vân”. Bún ốc chỉ nên ăn từ sáng đến trưa, tối người Hà Nội không ăn bún ốc, khác với phở. Bún ốc ngon trước hết phải có vị cay chua của ớt, của bỗng rượu. Bún ốc có 2 - 3 cách ăn: có thể chan, có thể chấm, có thể ăn nóng hoặc ăn nguội. Bún ốc không thay đổi nhiều lắm như các món ăn Hà Nội khác: vẫn là ớt trưng, vẫn là tía tô. Không có thứ gì cần tía tô và ớt trưng nhiều như bún ốc. Bát bún ốc của Hà Nội rất đẹp vì nó có màu đỏ của ớt trưng, màu tím của tía tô và sợi bún trắng... Phải kể đến một quán nhỏ ở phố Phù Đổng Thiên Vương mà với nhiều người sành ăn, đây là hàng bún ốc ngon vào loại hiếm ở Hà Nội bây giờ.
Đã là người Hà Nội không ai là không từng thưởng thức món xôi một lần, xôi Hà Nội có một phong vị riêng mà không trùng với bất cứ xôi ở nơi nào khác. Mỗi loại xôi có một hương vị khác nhau và được ăn kèm với các loại thức ăn khác nhau. Xôi trắng ăn kèm với ruốc, thịt kho tàu, giò chả, lạp xường vừa thơm, vừa mềm. Xôi gấc có vị ngọt được ăn kèm với chả mỡ. Xôi lạc, xôi đỗ xanh ăn kèm với vừng và ruốc. Còn xôi xéo, chắc chắn phải có thêm đậu xanh xắt lát mỏng, trên bát có hành phi thơm vàng ngậy...
Nhắc tới quà Hà Nội không thể không nói tới phở. Phở là món ăn phổ biến ở khắp Việt Nam nhưng nổi tiếng nhất là phở Hà Nội. Phở Hà Nội xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 với những cái tên phở Thìn, phở Giảng, phở Đông Mỹ bán gánh. Ngày nay, có thể tìm thấy những tiệm khá ngon ở Bờ Hồ, Bát Đàn, Lý Quốc Sư, Lò Đúc. Người Hà Nội nay ăn cả phở gà, nhưng theo nhiều người sành ăn chỉ có phở bò chín mới đúng là Hà Nội. Không khéo ngồi cả ngày cũng không thể kể hết tất cả những món ngon của Hà Nội. Đến bao giờ bạn có thời gian hãy ghé thăm Hà Nội và bạn sẽ nhớ mãi không quên những hương vị ngọt ngào của món ăn nơi đây.
Đôi khi tôi tự hỏi loài hoa nào đặc trưng cho Hà Nội. Dường như lúc nào Hà Nội cũng có hoa nở và một số loài hoa đã trở thành nét đặc trưng tiêu biểu cho từng mùa, như: hoa sữa với mùa thu, hoa sưa với mùa xuân. Chẳng hiểu tại sao mỗi khi nói về hoa sữa, người ta vẫn nhớ về con đường Nguyễn Du, nơi ấy có không gian tĩnh lặng, có hồ nước lung linh khiêm nhường mà thơ mộng. Những đêm đầu đông, trong sương giăng lành lạnh, ngồi bên bồ Thiền Quang dù ở bờ bên kia, vẫn ngửi thấy mùi hoa sữa. Nhiều lứa đôi thường đến đây dạo bước dưới hàng cây sữa, phải chăng bởi hoa sữa thơ mộng dễ khắc vào nỗi nhớ kỷ niệm tình yêu? Hoa sữa cũng đi vào nhạc, vào thơ, đã làm xốn xang bao tâm hồn trẻ, ai không khỏi bâng khuâng khi nghe câu hát “Em ơi Hà Nội phó, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa”… Hương hoa sữa ở đây như gắn với tình yêu và phố phường Hà Nội. Rồi “hoa sữa thôi rơi, em bên tôi những chiều tan lớp” như nỗi niềm luyến tiếc mùa hoa sữa đã qua gợi bao kỷ niệm. Và nhiều lắm, có biết bao bài văn, bài thơ viết về hoa sữa, cây hoa sữa đã tôn thêm biết bao thơ mộng cho Hà Nội những mùa đông.
Tuổi mười lăm em lớn từng ngày
Một buổi sáng bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu em vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.
Tôi yêu Hà Nội, nơi ấy những đêm đầu đông lành lạnh sực nức mùi hoa sữa. Ước gì nơi đây được trồng thêm thật nhiều hoa sữa để đi đến đâu cũng ngửi thấy mùi hoa.
Hoa loa kèn thường nở vào dịp tháng 4 hằng năm. Mỗi khi hoa nở, trên đường phố lại nhộn nhịp những xe hoa bán rong. Đêm đêm mùi hoa loa kèn thoảng nhẹ trong gió, có tiếng hát nhà ai vọng lại. Mùa này, bên những ruộng hoa loa kèn, trong tà áo dài trắng, các cô gái Hà Nội thỏa sức tung tăng, làm điệu trước ống kính máy ảnh. Hoa loa kèn cũng đi vào lòng người trong những áng thơ:
Hoa loa kèn em cắm chờ anh
Anh không đến từng nụ hoa vẫn nở
Cứ hào phóng toả hương theo gió
Làm sao dồn bắt được mùi hương
Và đây rồi tháng 5 về, cánh phượng đỏ thắm, cánh hoa bằng lăng tím ngắt như báo hiệu mùa chia ly đã về: Có một mùa hạ nồng nàn trên cánh bằng lăng
Cô bé ơi sao em không vờ thấy
Khi phượng vĩ bùng lên rực cháy
Cánh bằng lăng lặng lẽ tím trong chiều
Tôi yêu cả những cơn mưa Hà Nội, những cơn mưa bất chợt đến rồi đi. Mỗi khi mưa về lại thấy lòng man mát một nỗi buồn, tôi nhớ nhà. Có lẽ trời mưa người ta không biết làm gì cả nên mới thấy buồn. Mưa dông, những mái nhà xưa cũ, xiêu vẹo, ọp ẹp chông lại trận lôi đình của ông trời. Những hàng cây oằn mình chống trả cơn thịnh nộ của trời đất. Mùa hạ ở Hà Nội có những trận mưa rào. Mưa xối xả, mưa hối hả, mưa như vui đùa. Hà nội ướt đẫm, những con phố ngập nước làm thành những tấm gương dài lóng lánh. Tôi thích mỗi khi trời mưa được ngắm nhìn mọi người hối hả chạy đi tránh mưa, hối hả về nhà, thích được nằm đắp chăn đọc truyện. Tôi thích cái cảm giác cuộn mình trong chăn, lắng nghe tiếng mưa rơi đều đều trên mái tôn, hòa lẫn tiếng nhạc nhè nhẹ trong gian phòng ấm cúng và suy nghĩ về những gì đã qua. Vâng, đó là một chút thâm trẩm chạnh lòng nhớ nhà, nhớ quê, khẽ rùng minh xua đi cái cảm giác cô độc đang bủa vây mình, trở về với thực tại, để tĩnh lặng và suy nghĩ, để rồi tiếp tục đi về phía trước. Có nhiều việc để làm lắm, có nhiều thứ phải phấn đấu lắm.
Đêm về lại trả lại cho phố phường nới đây cái vẻ yên ắng, thanh bình. Mặc dù đôi lúc những con phố còn bị những thanh thiếu niên thích cảm giác mạnh làm cho ồn ào bởi những tiếng rú ga đầy hứng thú, thử thách và nguy hiểm. Nhưng sau tiếng rú ga đó thì Hà Nội lại được yên ắng như bản thân của nó vốn có. Nếu ai đó ra bờ hồ vào lúc tối thì tôi tin không ai có thể không thốt lên một điều Hà Nội thật thanh cao kiều diễm. Còn những điều mà có lẽ chỉ có Hà Nội mới có bạn có biết đó là gì không? Đó chính là những quán cóc vỉa hè với những cô những bà và cả những ông già ngồi an nhàn và bán trà. Cái quán đó không nhiều thứ không có những thứ cao sang nhưng thân thiện đến lạ, nó thân thiên với bất cứ ai khi ngồi vào đó! Bạn cứ thử một lần mà xem.
Hà Nội của tôi đó, tôi yêu tất cả những gì thuộc về nơi đó. Vùng đất ấy trong tôi vẫn còn là những gì rất bí ẩn. Chắc là phải mất rất nhiều thời gian nữa tôi mới hiểu hết được về Hà Nội. Nhưng tôi không cảm thấy nản chí đâu, tôi sẽ gắn bó nhiều với mảnh đất này nữa cơ mà. Hà Nội trong tôi vẫn mãi êm đềm như cơn mưa mùa hè bất chợt đi qua thành phố, vẫn mãi thanh bình như những gì tôi vốn biết, vẫn mãi là một cái gì đấy thiêng liêng trong lòng tôi. Có lẽ tôi vẫn là một con người non nớt, chưa hiểu lắm về sự đời, nhưng cho dù có thế nào, tôi sẽ mãi giữ một ấn tượng về Hà Nội giống như lần đầu tôi thấy nó. Yêu lắm Hà Nội ơi!

Tài liệu tham khảo
1. Bài giảng “ Ngôn ngữ và văn hóa” – PGS. Bùi Phương Việt Anh
2. Website http://www.hanoivanhien.com
3. Website http://www.nguoihanoi.net
4. Website http://www.congdoan.most.gov.vn
5. Website http://diendan.nguoihanoi.net








chipcoi89

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 16/09/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết