EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN 01B_LANGUAGE AND CULTURE_THUY NGUYEN THI MINH_18th September 2010

Go down

TN 01B_LANGUAGE AND CULTURE_THUY NGUYEN THI MINH_18th September 2010 Empty TN 01B_LANGUAGE AND CULTURE_THUY NGUYEN THI MINH_18th September 2010

Bài gửi  kyeool Sat Sep 18, 2010 9:00 am


Student's name: THUY NGUYEN THI MINH
Student code: TN109533
Class: TN01B
Lesson: LANGUAGE AND CULTURE
Ha Noi, September 18th, 2010


Dear Mr Viet Anh
Here is my homework about language and culture.



Nhà Rông trong đời sống văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên

A/ LỜI MỞ ĐẦU

Việt Nam, đất nước với 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên một lãnh thổ đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc và đa dạng. Trong đó, mỗi vùng đất, mỗi dân tộc lại mang trong mình những nét văn hóa riêng có, độc đáo và tinh tế, được đặc trưng bởi một biểu tượng, một lễ hội hay một phong tục nào đó khó bị trộn lẫn.
Từ lâu, khi nói đến Tây Nguyên - thủ phủ của các dân tộc : Zarai, Bahnar, Xêđăng, Brâu, Zẻ triêng,…, một vùng đất đậm chất sử thi – là người ta liên tưởng ngay đến nhà Rông – chiếc búa sừng sững khổng lồ chĩa thẳng lên trời như một biểu tượng của khát vọng, của ý chí và sức mạnh Tây Nguyên. Nhà Rông của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là cả một tác phẩm nghệ thuật lớn bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí,..đặc biệt là sự thể hiện không gian thiêng liêng, sức mạnh cộng đồng và niềm kiêu hãnh dân tộc, là linh hồn của làng bản Tây Nguyên. Tương tự như mái đình làng Việt, nhà Rông đã tạo nên không gian văn hóa đặc sắc Tây Nguyên.

B/ NỘI DUNG

I- Nhà Rông Tây Nguyên, nét kiến trúc độc đáo
Nhà Rông là một kiểu nhà sàn đặc trưng, chỉ có ở các buôn làng người dân tộc như Gia rai, Bah na…ở phía Bắc Tây Nguyên, là ngôi nhà cộng đồng. Nhà Rông của mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, hoa văn trang trí.
Đây là một công trình kiến trúc và nghệ thuật tập thể của cả cộng đồng dân làng. Lập một làng mới là một sự kiện trọng đại nhất trong đời sống cộng đồng người dân tộc ở Tây Nguyên, và cùng với đó lầ việc xây dựng nhà Rông. Việc này phải tuân theo nghi thức trang trọng. Phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để chọn nơi dựng nhà Rông. Đó phải là nơi cao ráo, thoáng mát về mùa nắng, ấm áp về mùa mưa, nằm ở trung tâm của làng, bằng phẳng, rộng đủ để tập trung số người ít nhất là gấp ba lấn số người của làng, đi từ các con đường về, từ xa phải nhìn thấy mái nhà Rông. Ngày dựng nhà Rông là ngày hội của làng, thường là trong tháng mười âm lịch.



Nhìn chung nhà Rông là ngôi nhà to hơn nhiều so với nhà bình thường, có kiến trúc cao. Nóc nhà có hai mái, nơi chỏm đầu dốc có hai sừng. Chạy dọc trên sóng nóc nhà là một dải trang trí đặc biệt. Sàn nhà thường được ghép bằng những tấm đan bằng tre lồ ô, nứa hoặc cây giang. Giữa nhà có một hàng lan can chạy dọc, là chỗ dựa của những ché rượu cần khi làng tổ chức lễ hội. Hoa văn trang trí trên hai vách có màu đỏ và xanh. Nhà được dựng lên trên những cột cây to, thường là tám cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc, mái nhọn lợp bằng lá cỏ tranh, phơi kỹ cho đến khi khô vàng. Nhà Rông thường dài khoảng 10m, rộng hơn 4m, cao 15 – 16m, có ngôi chỉ cao 7 – 8m. Tính đa dạng trong kiến trúc của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên còn là ở kết cấu của ngôi nhà. Các nghệ nhân làm nhà Rông không cần bản vẽ, thiết kế hay cái gì tương tự, không dùng đến sắt thép. Các chỗ nối, chắp đều được chặt, đẽo cẩn thận rồi dùng mây, lạt tre để buộc. Từng mối buộc của các dân tộc cũng khác nhau. Cầu thang lên nhà Rông thường đẽo 7 đến 9 bậc, trên đầu cầu thang của mỗi dân tộc cũng khác nhau.
Hai loại nhà Rông xuất hiện ở Tây Nguyên gồm nhà Rông trống (đực) và nhà Rông mái (cái). Nhà Rông trống có mái to, cao chót vót, có nhà cao đến 30m, và được trang trí rất công phu. Nhà Rông mái còn được gọi là Rông Ana nhỏ hơn, có mái thấp, hình thức bên ngoài và trong đơn giản hơn.
Trên những vì kèo đươc trang trí những hoa văn có màu sắc rực rỡ mang tính tôn giáo thờ phụng, những sự tích huyền thoại của những dũng sĩ thủa xưa, những thú vật được cách điệu, những vật, những cảnh sinh hoạt gần gũi với cuộc sống buôn làng. Nổi bật trong trang trí nhà Rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng.
Nhà Rông càng đẹp càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.
Có thể nói nhà Rông là một trong những di sản văn hóa rất tiêu biểu, với kĩ thuật đơn giản, kiến trúc đa dạng tạo nên vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, góp phần nâng cao giá trị cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Là một di sản quý cho
hôm nay và mai sau.

II - Nhà Rông, biểu tượng văn hóa cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên
Nhà Rông từ lâu đã trở thành một phần hồn của các dân tộc sống ở Tây Nguyên. Bên cạnh giá trị vật chất, nó chứa đựng trong mình những tầng văn hóa tâm linh rất bền vững của cư dân Tây Nguyên. Nó còn là máu, mồ hôi, nước mắt, vinh quang kiêu hãnh và ước vọng cao cả của con người trước thiên nhiên, vũ trụ. Nhà Rông chỉ gắn với làng, không có nhà Rông cấp tỉnh hoặc liên làng, mà nó gắn với sinh hoạt và tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư nhất định. Xưa kia làng Tây Nguyên phải có nhà Rông, làng không có gọi là làng đàn bà, không được làng khác kính trọng. Đây là nơi linh thiêng, phụ nữ không được lên trong các buổi họp làng hay nghi lễ mà ngồi dưới gầm sàn để dự. Quản lý nhà Rông là một tập thể hội đồng già làng, điều khiển theo một tinh thần triệt để dân chủ, tuân theo một tập quán chặt chẽ, gắng duy trì một trật tự lý tưởng.

1) Nhà Rông, nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của buôn làng
Người ta quan niệm nhà Rông là nơi khí thiêng của trời đất tụ lại để bảo trợ cho dân làng, vì thế trong mỗi nhà Rông đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng như con dao, hòn đá, sừng trâu…Hai nơi thiêng nhất là nơi thờ vật thiêng và bếp lửa. Trước sân là cây nêu, nơi diễn ra những nghi lễ giữa con người và vũ trụ. Nhà Rông là nơi diễn ra nhiêu nghi thức cúng lễ riêng:



Các thần tạo hóa và thần cấp cao gọi chung là “ Yàng” được cúng ở nhà Rông.
Từ xưa đến nay dịch bệnh vẫn là mối đe dọa với công đồng các dân tộc Tây Nguyên, do đó cầu mong sức khỏe, ít bệnh tật là là nhu cầu tất yếu. Vì vậy ở nhà Rông có thực hiện các nghi lễ liên quan đến sức khỏe của buôn làng. Ví dụ như: lễ cầu an cúng các Yàng cùng ma quỷ để cầu mong cho dân làng khỏi bệnh tật ốm đau, lễ cúng cho dân làng có dịch bệnh, lễ rửa xui, lễ cúng thần làng vào sáng sớm những ngày đầu năm mong cho người khỏe mạnh, gia súc phát triển, mùa màng bội thu.
Những nghi lễ liên quan đến tạ ơn Yàng như: lễ dời làng và dời thần tiến hành khi có biến cố quan trọng xảy ra với dân làng cần phải dời làng và thần đến địa điểm mới, lễ mừng nhà Rông mới, lễ đâm trâu, lễ tạ ơn thần chiến thắng.
Những nghi lễ liên quan đến sản xuất cũng được thực hiện tại nhà Rông, bao gồm: lễ cúng thần lửa trước khi trồng tỉa mong cây cối phát triển trên nương rẫy cháy hết sạch để đỡ công dọn dẹp và có nhiều tro cho lúa tốt, lễ cúng thần nước vào dịp chính mùa mưa và mùa khô, lễ cúng thần núi, lễ cúng thần lúa mong cho lúa chắc hạt không bị thú rừng và thiên tai phá hoại, lễ ăn lúa mới tương tự như Tết nguyên đán của người Việt.
Có thể nói làng – nhà Rông – lễ hội của đồng bào các dâc tộc thiểu số Tây Nguyên có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Trong các làng bản Tây Nguyên là những lễ hội truyền thống diễn ra dưới nóc nhà Rông, là mảnh đất sống của gần như tất cả các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian cổ truyền. Bởi thế nhà Rông có vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hình ảnh bếp lửa bập bùng, những ché rượu cần, âm thành trầm hùng của tiếng cồng chiêng, những gương mặt rạng rỡ của các già làng, các chàng trai cô gái dân tộc trong các lễ hội ở nhà Rông thể hiện một không gian văn hóa rất mộc mạc, quây quần trong sự cố kết cộng đồng. Tất cả làm nên bản sắc phong phú, độc đáo của văn hóa truyền thống dưới mái nhà Rông.

2) Nhà rông là một trụ sở của bộ máy quản trị buôn làng
Nhà Rông là nơi thực thi các luật tục theo quy ước, phân xử các các vụ kiên tụng tranh chấp liên quan đến cộng đồng, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nơi già làng tập trung mọi người bàn luận những việc quan trọng của buôn làng. Ví dụ như : xử kiện bằng thử nước và thử lửa, xử kiện tội loạn luân với hai nghi lễ “ phạt vạ ” và “ tẩy uế ”.

3) Nhà Rông là trung tâm chỉ đạo sản xuất
Ở Tây Nguyên, hội đồng gìa làng họp với các chủ nóc tại nhà Rông để bàn kế hoạch và chỉ đạo sản xuất, kể từ việc phân chia rừng rẫy cho đến việc trỉa hạt, suốt lúa, nhập kho, kể cả những nghi thức dẫn “hồn lúa ” về buôn làng. Mỗi giai đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất của một năm đều được tổ chức một số nghi thức cúng lễ tại nhà Rông, như chọn rừng để phát rẫy, tổ chức đi phát rẫy – đây là một ngày hội lớn của buôn làng, lễ trỉa hạt, sau khi tu hoạch lúa xong cũng tổ chức lế mừng vụ mùa tại nhà Rông.

4) Nhà Rông là trung tâm chỉ huy chiến đấu
Nhà Rông là nơi hội đồng già làng và dân làng cùng với các chiến binh tổ chức bàn bạc, chỉ đạo các cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng, trả thù rửa nhục cho các thành viên trong cộng đồng bị các dân cư khác làm hại. Nhà Rông như một tổng hành dinh của buôn làng,nơi để thanh niên luyện tập chiến đấu, nơi hành lễ chiến thắng cũng như khi thất bại.

5) Nhà Rông, nơi chứng kiến vòng đời của mỗi thành viên
Với người dân các dân tộc Tây Nguyên, ngôi nhà Rông là nơi gắn bó mỗi con người từ lúc sinh ra, trưởng thành, lấy vợ lấy chồng và tham gia sinh hoạt cộng đồng. Luật tục quy định sản phụ phải sinh đẻ ngoài làng vì họ quan niệm máu sản phụ là một thứ rất ghê tởm, có thể gây tai họa khôn lường cho gia đình và buôn làng. Để đứa trẻ sau khi sinh ra được ra nhập cộng đồng, bố mẹ phải nộp trâu, lợn để cúng ở nhà Rông. Đến tuổi vị thành niên phải làm lễ cà răng ở nhà Rông thì mới được coi là trưởng thành và được gia nhập cộng đồng người lớn. Thông qua những ngày lễ hội ở nhà Rông, thanh niên nam nữ có dịp tìm hiểu nhau, ưng ý và đi đến kết hôn. Lễ cưới được tổ chức tại nhà Rông trong 1 ngày.

Với tất cả những nét kiến trúc độc đáo và những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được thể hiện qua các phong tục, lễ hội diễn ra dưới mái nhà Rông, đây không chỉ là sản phẩm văn hóa vật chất mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống vô cùng quý báu cần được bảo tồn và phát huy.

III - Hiện trạng nhà Rông Tây Nguyên
Mặc dù là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, xong cùng với sự biến đổi nhanh chóng của cơ cấu dân cư, không gian mang tính đặc thù của Tây Nguyên cũng bị phá vỡ. Những cánh rừng bạt ngàn đã và đang tiếp tục bị chặt phá bừa bãi. Văn hóa bản địa chịu tác động rất lớn từ bên ngoài do sự tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, những giá trị văn hóa truyền thống nhanh chóng bị mai một hoặc biến dạng. Nhà Rông, sản phẩm của nền văn hóa này đương nhiên cũng cùng chung số phận.
Kiểu nhà Rông du lịch đang mọc lên khắp Tây Nguyên trong những năm gần đây, vốn đầu tư lên đến 500 trăm triệu, nhà làm bằng tre và gỗ quý, nhằm thu hút khách du lịch và thu lại tiền. Hay cũng có những “ nhà Rông văn hóa” được xây bằng bê tông lợp tôn do nhà nước đầu tư, lấy lý do bảo tồn văn hóa, nhưng xây xong thì lại bỏ hoang. Nhà Rông thực sự cứ ít dần, nhà Rông “dởm” thì cứ mọc lên. Ngoài ra, đạo tin lành đang phát triển mạnh cũng góp phần làm cho nhà Rông vắng bóng dần ở Tây Nguyên.
Có thể nói việc tạo ra những nhà Rông như trên sẽ không có ý nghĩa gì đối với việc bảo tồn nền văn hóa lâu đời ở Tây Nguyên, mà chỉ làm cho nền văn hóa ấy bị phai một và mất dần nét vốn có của nó. Bởi nhà Rông thực sự phải là sản phẩm của ý chí, sức lực, tiền của của cả buôn làng đóng góp, được cả cộng đồng làm chủ, là nơi diễn ra các nghi lễ, tập tục truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đến đây mọi người có thể cảm nhận đầy đủ nhất không gian đậm chất Tây Nguyên, chứ không chỉ là tham quan đơn thuần “mô hình nhà Rông”.

C/ LỜI KẾT

Nhà Rông Tây Nguyên không chỉ là di sản văn hoá của riêng đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây, mà còn là viên ngọc quý, một trong những biểu trưng cho nền văn hóa truyền thống đa dạng Việt Nam. Đây là nơi lưu lại những dấu ấn thăng trầm trong lịch sử các dân tộc Tây Nguyên, nơi sản sinh ra những những con người như anh hùng Núp, sẵn sàng hy sinh vì buôn làng, vì đất nước, là nơi truyền lại cho con cháu muôn đời sau những trang sử thi hào hùng bi tráng, thể hiện khát vọng và sức mạnh của vùng đất anh hùng, là nơi mà ngọn lửa Tây Nguyên sẽ bập bùng cháy mãi. Giữ được nhà Rông là giữ được trái tim của buôn làng Tây Nguyên, giữ được cho chúng ta một đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng, bắt rễ sâu vào truyền thống cũng như vươn tới những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển đi lên của xã hội.

D/ DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Bài giảng Ngôn ngữ và văn hóa – PGS-TS. Bùi Phương Việt Anh.
2) www.bienphongvietnam.com.vn/nhà_rông_trong_đời_sống_văn_hóa_tây_nguyên
3) www.vme.org.vn
4) www.vi.wikipedia.org/wiki/nhà_rông_tây_Nguyên
5) www.bayvut.com.au/diênkich’_o_nha_rong
6) www.traodoi.vn/van-hoa/nha rong-khat vong tay nguyen ( tác giả Văn Công Hùng )

kyeool

kyeool

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 18/09/2010
Age : 34

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết