EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN01B_LANGUAGE AND CULTURE_PHUONG NGUYEN THI_18TH SEPTEMPER 2010

Go down

TN01B_LANGUAGE AND CULTURE_PHUONG NGUYEN THI_18TH SEPTEMPER 2010 Empty TN01B_LANGUAGE AND CULTURE_PHUONG NGUYEN THI_18TH SEPTEMPER 2010

Bài gửi  phuongnguyen Sat Sep 18, 2010 9:12 am

Student's name: Phuong Nguyen Thi
Student code: TN109526
Class: TN01B
Lesson: Language and culture
Ha Noi, 18th septemper, 2010


Dear Mr Viet Anh
Here is my homework


VĂN HÓA TRẦU CAU

A/ Lời mở đầu

Chúng ta đã biết đến rất nhiều nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt như Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên,văn hoá múa rối nước,văn hoá Chợ…Mỗi loại hình văn hoá có một nét đặc sắc riêng,loại hình nào cũng độc đáo.Nhưng với tôi ấn tượng nhất là văn hóa trầu cau.Tôi xin giới thiệu với các bạn đôi nét về văn hoá trầu cau.Tự bao giờ, trầu cau đã gắn liền với đời sống của người Việt. Trầu cau dùng để tiếp khách như bát nước chè xanh, như điếu thuốc lào, trầu có mặt trong mỗi cuộc vui, buồn của làng quê, trầu trong các buổi lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ thọ, lễ mừng.... Trầu cau còn là quà tặng, là sính lễ trong đám hỏi, trầu thay thiệp báo, thiệp mời trước ngày hôn lễ. Miếng trầu tuy đơn giản nhưng mang bao ý nghĩa sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt Nam

B/ Văn hoá trầu cau trong phong tục lễ tết, cưới hỏi
Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Miếng trầu chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó thân thiết trong tâm hồn mỗi người. Trong mấy ngàn năm lịch sử cho đến ngày nay và có lẽ là mãi mãi, trầu cau luôn hiện diện trong đời sống các dân tộc Việt Nam và các dân tộc châu Á. Dù giàu nghèo ai cũng có thể có, miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng cau bổ tám, bổ tư quyện vào rễ vỏ chay đỏ luôn là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm. Dân gian có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện", miếng trầu đi đôi với lời chào, lời thăm hỏi hay làm quen
1) Sự tích Trầu Cau
Vào thời xa xưa, có hai anh em nhà họ Cao, một người tên Tân, một người tên Lang (tân lang có nghĩa là cây cau) rất mực thương yêu nhau. Khi cha mẹ qua đời, hai anh em đến trọ học nhà ông thầy họ Lưu.
Thấy Tân và Lang vừa học giỏi, vừa đẹp người đẹp nết, ông thầy yêu quí như con. Cô con gái của thầy cũng đem lòng quyến luyến, muốn chọn người anh làm chồng.
Hai anh em Tân và Lang sát tuổi nhau, dung mạo lại giống nhau như khuôn đúc, cô gái không sao đoán được ai là anh, ai là em. Nhân dịp biếu cháo, cô cố ý chỉ đưa tới một bát cháo với một đôi đũa rồi rình xem, thấy Lang cung kính mời Tân ăn trước cô mới biết Tân là anh, và xin cha được gá nghĩa cùng chàng.
Vợ chồng Tân và Xuân Phù (tên cô gái, xuân phù có nghĩa là trầu không mùa xuân) sống rất hạnh phúc. Hai anh em Tân và Lang vẫn ở bên nhau, nhưng Lang nhận thấy từ ngày anh có vợ, tình anh đối với mình không còn quyến luyến như xưa, trong khi ấy người anh vô tình không hề hay biết. Ðã thế lại xẩy ra chuyện hiểu lầm. Một hôm hai anh em đi làm đồng về muộn, Lang về trước, nàng Lưu tưởng chồng, chạy ra vồn vã âu yếm. Lang vội lên tiếng, cả hai đều biết là nhầm nên rất ngượng. Tân về,biết chuyện để dạ nghi ngờ, từ đó tỏ ra lạnh nhạt với em hơn.
Lang buồn tủi âm thầm bỏ nhà ra đi. Chàng lang thang trong rừng cho tới khi kiệt sức, chết đi hóa thân thành cây cau bên bờ suối vắng.
Thấy em không về, Tân ân hận, xót xa. Chàng lặng lẽ lên đường tìm em. Tân cũng đã tới bờ suối nọ, ngồi bên cây cau than khóc. Khi thân xác rũ liệt, chàng chết hóa thân thành tảng đá vôi, nằm sát bên gốc cau.
Nàng Lưu chờ chồng mãi chẳng thấy trở về, quá nhớ thương nên lại đi tìm. Một chiều kia nàng cũng tới được bờ suối định mệnh. Nàng ngồi trên tảng đá khóc miết... đến khi hồn lìa khỏi xác thì hóa thân thành cây trầu không, leo bám trên thân đá.
Gia đình họ Lưu đi tìm con, được biết chuyện bèn lập miếu thờ. Người đương thời rất cảm kích trước tình anh em khắng khít, tình vợ chồng thắm thiết, thủy chung của anh em vợ chồng họ Cao nên thường đến đốt nhang, chiêm bái, cầu cúng (3)
Một hôm vua Hùng thứ tư nhân dịp tuần du qua đấy, thấy có miếu thờ, lại được dân sở tại kể cho nghe câu chuyện thương tâm kia thì vô cùng cảm động. Ngài bảo lấy trầu cau ăn thử mới khám phá ra một mùi vị thơm cay, nồng ấm, và khi nhổ nước cốt trầu xuống tảng đá vôi lại thấy hiện ra sắc đỏ tươi như máu, nhà vua cho là quý bèn truyền lấy giống về trồng, xa gần bắt chước làm theo. Ngài còn xuống lệnh cho thần dân từ nay sẽ nhất thiết dùng trầu cau trong các dịp cưới hỏi, và trong các buổi hội họp lớn, nhỏ. Tục ăn trầu ở nước ta có từ đó.
Và cũng vì sự tích Trầu Cau có ý nghĩa sâu sắc như thế nên tục ăn trầu của dân ta đã được thăng hoa, trở thành một mỹ tục mang tính chất đặc thù của một nền văn minh cổ Ðông Nam Á. Mỹ tục ăn trầu này đã gắn liền với những sinh hoạt văn hóa, từ đời sống vật chất hằng ngày đến đời sống tinh thần của dân ta trước kia như thế nào?
Một miếng trầu được gọi là khẩu trầu gồm có một lá trầu xanh hay xanh ngả vàng têm sẵn, trong để chút vôi; cộng với một miếng cau, ngoài là vỏ xanh đậm rồi đến cùi có sợi trắng ngà, phía trong, phần trên là thịt trắng phau, dưới là hạt nhờ nhờ lòng tôm; cộng thêm một lát vỏ mỏng chuyển dần từ mầu nâu non đến phớt hồng (thường lấy từ rễ các cây chay, mít chay hay cây đề ...). Nhìn mầu sắc đã thấy đẹp mắt, khi ăn vào còn có vị ngọt ngọt của cau, cay cay, thơm thơm của lá trầu (toàn thân cây trầu có tinh dầu thơm), chát chát của hạt và vỏ (có chất tanin), cùng cảm nhận được cơ thể đang nóng nóng vì vôi và đầu óc hơi choáng váng say vì trong hạt cau có chất arécoline làm kích thích thần kinh hệ.
Ðã vậy, nếu còn được đệm thêm tí quế, tí hồi hay tí thuốc lào, thuốc lá thì miếng trầu ăn vào càng tăng phần kích thích, làm thêm nóng bừng cơ thể, thêm dậy hồng đôi má và thêm long lanh cặp mắt. Sau nữa, nước cốt trầu có sắc màu đỏ tươi làm hồng thắm đôi môi. Người phụ nữ xưa đã biết lợi dụng những ưu điểm này của miếng trầu, nên họ ăn trầu còn để làm đẹp.

Sau hết, trầu cau được sử dụng làm phương tiện giao tiếp xã hội, biểu lộ tình cảm và được dùng làm lễ vật trong những dịp cưới xin, tang ma, cúng tế gia tiên và thần linh.

2) Tục Mời Trầu
Tục mời trầu cho thấy, trầu cau là phương tiện không thể thiếu trước nhất trong những nghi thức giao tế hằng ngày ngoài xã hội. Vì "Miếng trầu là đầu câu chuyện", là "đầu trò tiếp khách", nên chi vừa gặp nhau, sau mấy tiếng chào hỏi, người ta liền mở trầu mời ăn rồi mới nói gì thì nói.
Trong phạm vi tình yêu và hôn nhân, tục mời trầu đã được người bình dân khai thác triệt để. Vì trầu cau còn là lễ vật cưới xin nên những hình ảnh, màu sắc, hương vị của trầu, cau, vôi... luôn luôn gợi ý cho thanh niên nam nữ liên tưởng tới những chuyện tình yêu, chuyện duyên phận lứa đôi.Thế nên việc mời trầu người khác phái nhiều khi phải hiểu là một cách tỏ tình gián tiếp, và đồng thời cũng để ướm thử xem tình cảm của người ấy đối với mình ra sao. Một khi thấy ý hợp, lòng ưa rồi người con gái mới nhận trầu. Hành động này hàm ý chấp thuận, thật là một cách bầy tỏ tình cảm vừa kín đáo, tế nhị, vừa duyên dáng dễ thương. Từ ngày nhận ăn miếng trầu kết nghĩa tương giao, gắn bó trở về, tình yêu của người con gái lớn dậy, làm thăng hoa cuộc sống. Nàng trở nên xinh tươi, đằm thắm.Những kẻ đang yêu được ngồi ăn trầu bên nhau thì dù trầu có thiếu vị họ vẫn say như thường, vì họ say tình nhau, say bóng sắc của nhau, say lời yêu đương của nhau chứ nào có xá gì trầu!

3) Trầu Cau Trong Nghi Lễ Cưới Hỏi
"Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng - vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối.
Miếng trầu nồng thắm luôn có mặt trong hôn lễ là sự khơi gợi, nhắc nhở mọi người hướng về một tình yêu son sắt, một cuộc sống vợ chồng gắn bó, thủy chung và luôn lấy nghĩa tình làm trọng:
Trầu này trầu quế, trầu hồi
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính, trầu tình
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta
Trầu này têm tối hôm qua
Trầu cha, trầu mẹ đem ra cho chàng

Trong lễ cưới hỏi của người Việt có 3 lễ chính:
Lễ chạm ngõ: nhà trai chỉ phải đem tới nhà gái vài gói trà, vài chai rượu và một nhánh cau cùng một xấp lá trầu (tất cả đều phải đi số chẵn). Theo tục lệ trong Nam thì ngoài trà rượu bánh mứt, nhà trai còn đem tới nhà gái một khay trên bầy 2 cái chung (ly) nhỏ, 1 nậm rượu và 1 cơi trầu têm sẵn 4 miếng, để mời anh chị sui mà trực tiếp thưa chuyện giạm vợ cho con. Nếu cô dâu, chú rể tương lai chưa hề biết nhau thì đây chính là dịp họ được thấy mặt nhau, nên lễ này còn gọi là lễ xem mặt. Người thiếu nữ từ ngày nhận trầu cau coi như đã là dâu con nhà người, tục ngữ có câu: "Miếng trầu nên dâu nhà người" là vậy. Tuy nhiên lễ chạm ngõ không quan trọng mấy, vì dù sao mới chỉ là "giạm", nghĩa là ướm hỏi trước giữa hai gia đình mà thôi. Do đó sau này vì lẽ gì một bên muốn bãi bỏ thì cũng dễ dàng, chỉ cần thông báo cho bên kia biết chứ không phải thưa kiện, bồi thường gì. Thế nên tục ngữ lại có câu: "Miếng trầu chạm ngõ là miếng trầu bỏ đi".
Lễ ăn hỏi: trong Nam lễ vật quan trọng nhất kỳ này là trầu cau, rượu trà và cặp đèn cầy để lễ gia tiên bên gái. Ở ngoài Bắc, xưa có lệ vào dịp lễ ăn hỏi, nhà gái chia phần trầu bánh cho bà con họ hàng, xóm giềng, bạn bè để báo tin lễ đính hôn chính thức của đôi trẻ; vì thế nhà trai phải dẫn cho đủ số trầu cau, trà bánh, nem trạo để nhà gái biếu xén. Sau lễ ăn hỏi, hai gia đình mới bàn đến chuyện đám cưới. Theo phong tục xã hội Việt Nam xưa, nhà gái được quyền thách cưới. Ngoài vụ thách cưới áo quần, chăn chiếu, màn gối, nữ trang cho cô dâu, nhiều bậc cha mẹ còn đòi thách cưới cả tiền mặt để trang trải cỗ bàn thết đãi hai họ, cùng là ruộng vườn, trâu bò cho đôi vợ chồng mới ra riêng lập nghiệp. Nhiều chàng trai nhà nghèo, không theo được đành phải mất vợ. Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới khoảng một hai năm, người con trai phải sêu tết nhà vợ. Theo tài liệu trong Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính thì bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa nào thức nấy. Tháng ba thì sêu vải; tháng năm sêu dưa hấu, đường, ngỗng; tháng chín sêu cốm, hồng, gạo mới, chim ngói; tết sêu bánh mứt, cam bưởi. Không sêu mà xin cưới thì người ta cho là thiếu lễ.
Lễ đón dâu: sáng sớm ngày lễ đón dâu, chính bà mẹ chồng đích thân mang một cơi trầu, ngoài phủ khăn điều, trong đựng 6 miếng trầu, tượng trưng đủ 6 lễ, đem tới nhà gái để xin dâu cho trịnh trọng (nếu bà mẹ chồng mất sớm mới phải nhờ tới cô, bác hay người chị lớn của chú rể đi thay). Ịồng thời báo cho nhà gái biết trước giờ phái đoàn nhà trai đến để sửa soạn nghênh tiếp. Phái đoàn đón dâu đi đầu là vị chủ hôn (phải là người trọng tuổi, vợ chồng song toàn, con cái đề huề, kén chọn trong gia đình họ hàng chú rể), sau đến vợ chồng người mai dong, tiếp theo là đoàn người đội phù trang mang đồ sính lễ, gồm trầu, cau (nguyên buồng), trà rượu, bánh mứt, xôi heo... Với người miền Nam còn phải thêm đôi đèn cầy lớn, trạm rồng phượng và đôi bông tai (hoa con gái) cho cô dâu. Chú rể, bà con đi sau chót. Cặp đèn cầy nhà trai đưa tới được thắp sáng trên bàn thờ gia tiên nhà gái, một phần lễ vật đem ra bầy cúng. Sau khi lễ gia tiên, (4 lạy, 3 vái) cô dâu chú rể lạy tạ cha mẹ vợ (2 lạy, 1 vái), đoạn đi chào ra mắt cùng mời trầu, mời thuốc chú bác, cô dì nhà gái ; đồng thời họ nhận được tiền phong bao cùa họ hàng. Xong xuôi, lễ vật còn lại với cỗ bàn được bưng ra, đãi đằng hai họ: Mọi người ăn uống say sưa, chuyện trò vui vẻ; chờ tới giờ hoàng đạo (giờ tốt) mới đón dâu về nhà chồng. Về tới đằng trai, cô dâu, chú rể lễ gia tiên trước rồi mới lễ tơ hồng (chủ đích tạ ơn Nguyệt Lão đã xe duyên đôi lứa) .Lễ tơ hồng cốt yếu có đĩa trầu cau, đĩa sôi gấc trên đặt con gà trống thiến luộc, mỏ cắm một bông hồng đỏ và đôi bạch lạp.
Người chủ tế vừa hoàn tất việc xướng lễ, bái lễ, chú rể bước tới bàn thờ, nâng chung rượu uống nửa rồi trao cho cô dâu nhắp phần còn lại, đoạn rón 2 miếng trầu trong cái đĩa đặt trên bàn thờ, chia cho cô dâu một miếng, xong hai người cùng ăn. Ðể kết thúc buổi lễ tơ hồng, người chủ tế nhấc hai cây bạch lạp trên ban thờ xuống cho châu đầu vào nhau để hai ngọn lửa nhập làm một, đoạn thổi tắt, hàm ý vợ chồng từ nay sống chết cùng nhau, không rời bỏ nhau. Sau lễ tơ hồng, cô dâu chú rể vào nhà lạy cha mẹ chồng cùng chú bác bên chồng, lại được tiền phong bao nữa. Buổi tối, mâm cỗ lễ tơ hồng được hạ xuống cho cô dâu chú rể ăn chung. Hôm sau ngày cưới gọi là ngày nhị hỉ hay ba hôm sau gọi là ngày tứ hỉ, cô dâu chú rể đem heo, xôi - sau này được thay bằng trà rượu - về bên ngoại cúng từ đường, thăm nhà và đi chào cùng cám ơn bà con cô bác.

4) Trầu cau trong văn hoá ứng xử
Ðối với bạn bè, bà con láng giềng: tục lệ chia trầu cau trong lễ vấn danh (lễ ăn hỏi) cho khắp họ hàng cũng như cho bà con láng giềng và bạn bè đã nói lên đầy đủ quan niệm ứng xử của người xưa, coi tất cả đều là anh em một nhà, đều được chia vui (cũng như sẽ buồn) như nhau.
Ðối với cha mẹ, qua miếng trầu, buồng cau người con gái tỏ được sự săn sóc và lòng hiếu kính.
Ðối với người bạn trăm năm, công việc têm trầu cho chồng xơi hằng ngày đã được xem là một bổn phận không thể thiếu của người đàn bà
Nói chung, người đàn bà yêu chồng, biết để ý săn đón, chiều chuộng từng thói quen, từng ý thích của chồng tất không bao giờ quên sửa soạn sẵn một đĩa trầu thật ngon, chờ chồng sau mỗi bữa cơm chiều. Nếu chúng ta để ý tất sẽ thấy ngay là ở những trường hợp hai vợ chồng sắp phải chia xa, người vợ nào cũng cố đem hết tài khéo léo nữ công nữ hạnh của mình để sửa soạn cho chồng những miếng trầu đẹp nhất, đặc biệt nhất. Thôi thì trầu têm cánh phượng, thôi thì trầu cánh kiến, trầu cánh quế, đủ cả. Vì sao vậy? Vì nàng nào cũng hiểu rằng.
Miếng trầu lúc này có giá trị của một tặng phẩm, biểu tượng cho sự may mắn. Nàng muốn chúc cho người chồng mọi sự hanh thông, mau mắn thành công, đắc ý trở về. Miếng trầu lúc này vô hình trung gắn liền với hình ảnh của nàng. Trên bước hành trình vất vả của chồng, khi giở trầu ra ăn, nhìn thấy miếng trầu xinh đẹp, ăn vào thấy lại hương vị thơm ngon nồng ấm quen thuộc, chồng nàng sẽ nhớ ngay tới nàng và cảm thấy được an ủi, tưởng như nàng vẫn luôn ở bên cạnh để săn sóc cho chàng. Miếng trầu lúc này là những gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm yêu đương, gắn bó giữa hai vợ chồng. Khi xa nhau người ta mới dễ, mới thích hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp xưa, tình yêu vì thế có cơ hội được hâm nóng và bồi dưỡng thêm. Như thế miếng trầu lúc này đã gói ghém, đã chuyên chở bao nhiêu tình ý của nàng đối với chồng. Và túi trầu được nàng trân trọng và ây yếm trao tặng cho chàng trong giây phút chia ly ấy sẽ nói dùm nàng tất cả.
Vâng tất cả đó sẽ giúp chồng nàng thêm nghị lực, thêm hăng hái hoàn thành nghĩa vụ một cách tốt đẹp, để sớm được trở về xum họp với nàng, người vợ rất mực yêu thương ở quê nhà đang ngày ngày tha thiết mong ngóng chàng về.

C/ Lời kết


Ngày nay xã hội Việt Nam đã quá đổi thay, một phần vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài hàng mấy thập niên, một phần do ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ đưa tới... Những thế hệ Việt Nam sinh từ 1930 trở đi đã bắt đầu bỏ tục ăn trầu, người ta không còn coi miếng trầu là phương tiện giao tế hằng ngày nữa, giới trẻ cũng không còn mượn miếng trầu để tỏ tình, và nhiều gia đình cũng đã bỏ luôn tục lệ chia trầu cau trong những kịp lễ hỏi... Rồi đây hình ảnh thơ mộng của những giàn trầu, những hàng cau tất sẽ không còn phất phới trên khắp các nẻo đường quê hương đất nước nữa. Nhưng văn chương bình dân truyền khẩu còn đó, lại được đem giảng dạy tại học đường, thì tôi tin chắc rằng nó vẫn đóng trọn được vai trò giáo dục và bồi dưỡng tâm hồn người Việt Nam, để muôn đời con cháu chúng ta vẫn biết sống theo quan niệm triết lý tình nghĩa trầu cau, một truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dù đang sống ở đâu, Việt Nam hay bất cứ nơi nao trên thế giới thì việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, những tinh hoa của nòi giống là mong muốn và cũng là trách nhiệm của mỗi người con đất Việt. Điều này chắc chắn sẽ không phải là rào cản, mà trái lại còn tạo cho giới trẻ một tiềm năng, một cơ sở dễ nhận biết, so sánh, phê bình và lãnh hội những giá trị mới trên đường hội nhập bước vào tương lai. Cuộc sống của họ vì thế càng thêm ý nghĩa và phong phú.

D/ DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Bài giảng Ngôn ngữ và văn hoá – PGS-TS.Bùi Phương Việt Anh
2) my.opera.com
3) www.baomoi.com
4) www.vietshare.com


phuongnguyen

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 18/09/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết