EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_KHANH NGUYEN THI_18th September 2010

Go down

TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_KHANH NGUYEN THI_18th September 2010 Empty TN15G_LANGUAGE AND CULTURE_KHANH NGUYEN THI_18th September 2010

Bài gửi  Khanh.neu Sat Sep 18, 2010 10:56 am

Student: Khanh Nguyen Thi
Class: TN 15G
Lesson: Language and Culture
Hanoi, 18th, September, 2010
Dear Mr Viet Anh,
This is my homework
Ngôn ngữ và văn hóa
Thuật ngữ “Văn hóa” đã xuất hiện từ lâu trong ngôn ngữ của dân tộc ta cũng như của toàn nhân loại. Chúng ta bắt gặp và sử dụng chúng hàng ngày như một từ ngữ thông dụng, chẳng hạn như: ”văn hóa xã hội”, “nền tảng văn hóa”, “nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”, “văn hóa giao thông”, “văn hóa công sở”, hay “thiếu văn hóa”, “vô văn hóa”, … Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của từ “văn hóa”. Văn hóa là một trong những khái niệm phức tạp và khó xác định, không dễ dàng có thể hiểu rõ bản chất, giá trị cũng như ý nghĩa của nó.
Khái niệm “Văn hóa” thường được đồng nhất với khái niệm học vấn và văn minh. Song thực tế không hẳn là như vậy, giữa văn hóa và học vấn có những điểm giống và khác nhau. Trình độ học vấn có thể là nền tảng, là chìa khóa để mở mang trí tuệ và tâm hồn, để vươn tới trình độ văn hóa cao hơn. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Trong thực tế vẫn còn tồn tại hiện tượng người có trình đô học vấn cao nhưng vẫn bị coi là thiếu văn hóa khi họ có những hành vi không được công chúng chấp nhận chẳng hạn như việc tiện tay xả rác bừa bãi nơi công cộng, nói những lời thô tục, chửi bới, cãi vã,… hay chỉ đơn thuần là việc xúm lại đám đông để xem một vụ tai nạn cho thỏa trí tò mò chứ không phải để giúp đỡ nạn nhân. Hay các bạn sinh viên cũng được coi là tầng lớp trí thức, là những người có trình độ học vấn cao song vẫn có nhiều hành vi, cách xử sự chưa chưa được coi là có văn hóa như không tự giác nhường ghế cho người già, người tàn tật, việc chen lấn xô đẩy khi lên xe buýt, … Thật ra cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ý thức của sinh viên khi mà các bác tài xế cứ lái xe vèo vèo, thỉnh thoảng còn bỏ bến trong khi các bạn sinh viên xếp hàng chờ xe buýt thì cứ kéo dài không giới hạn, nếu không nhanh chân chen lên thì bạn sẽ bị rớt lại và việc muộn giờ học là điều đương nhiên. Nói như vậy không phải để biện minh cho những hành động của họ là đúng mà để thấy rằng văn hóa, các hành vi ứng xử của con người chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố khác nhau, môi trường văn hóa của xã hội với các hành vi văn hóa của cá nhân có mối quan hệ tương tác với nhau. Ngược lại, một người có trình độ học vấn không cao – một bác nông dân chỉ học hết tiểu học nhưng luôn cư xử hòa nhã, sẵn sàng giúp đỡ người khác, luôn răn dạy con cháu những điều hay lẽ phải thì sẽ được mọi người đánh giá là một người có văn hóa cao. Nói như vậy để thấy rằng văn hóa và trình độ học vấn không phải đồng nhất và cũng không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với nhau. Với khái niệm văn minh cũng vậy. Thông thường văn minh được dùng để chỉ trình độ phát triển của nhân loại đạt tới ở một thời kỳ lịch sử nào đó như văn minh lúa nước, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp,… Có thể cho rằng văn minh là sự thể hiện của văn hóa trong lối sống, trong lao động và hành vi song không thể đồng nhất văn minh và văn hóa. Ta sẽ thấy rõ hơn về điều này khi xem xét công thức cấu tạo của văn hóa sau đây:
Văn hóa tổng thể = văn hóa vật chất + văn hóa tinh thần + văn minh vật chất + văn minh tinh thần
Nói tới văn hóa là nói tới con người, tới các mối quan hệ của con người. PGs B.P Việt Anh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa là cách hành xử của con người với con người, của con người với xã hội, của con người với thiên nhiên môi trường, của con người với chính bản thân mình. Văn hóa tồn tại cả dưới dạng vật chất và tinh thần.” Đây là một định nghĩa khá ngắn gọn nhưng nó có thể bao quát được toàn bộ các mối quan hệ có thể có của con người cho thấy văn hóa được hình thành và biểu hiện thông qua mọi hành vi và cách hành xử của con người. Có thể hình dung văn hóa như một tảng băng chìm trong đó bề nổi của nó bao gồm ngôn ngữ (language), thức ăn (food), ngoại hình (appearance) đây là những yếu tố được biểu hiện ra bên ngoài có thể dễ dàng nhận thấy, nó đặc trưng cho văn hóa của một quốc gia, một dân tộc. Tuy nhiên phần lớn của tảng băng lại chìm ở dưới không dễ có thể nhận thấy được đó là: phong cách giao tiếp (communication style), đức tin (beliefs), thái độ (attitudes), giá trị (values), nhận thức (perceptions) đây cũng là những yếu tố mang tính riêng có của mỗi quốc gia, những nền văn hóa khác nhau sẽ là khác nhau nhưng nó không được nhận thấy một cách rõ ràng và phải được tìm hiểu qua một quá trình lâu dài.
Nhắc đến văn hóa không thể không đề cập đến khía cạnh ngôn ngữ vì văn hóa và ngôn ngữ có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Người ta nói rằng ngôn ngữ và văn tự là kết tinh của văn hóa dân tộc, nhờ có ngôn ngữ và văn tự mà những tinh hoa đó được truyền lại cho những thế hệ sau, nền văn hóa cũng nhờ đó mà phát triển. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ lại luôn đi song song với biến đổi và phát triển văn hóa. Do đó muốn nghiên cứu sâu về văn hóa phải nghiên cứu ngôn ngữ và tất nhiên muốn đi sâu tìm hiểu ngôn ngữ thì cần phải chú tâm đến văn hóa. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong trường hợp chúng ta học ngoại ngữ. Học ngoại ngữ không đơn giản chỉ là học về tư ngữ, ngữ pháp mà chúng ta còn phải tìm hiểu về văn hóa nữa.Việc sử dụng ngoại ngữ như một ngôn ngữ (khả năng nghe, nói, đọc, viết) được quyết định bằng hai yếu tố đó là sự hiểu biết về ngôn ngữ đó và sự am hiểu về kiến thức văn hóa trong bối cảnh sử dụng ngôn ngữ. Ngày nay tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến được sử dụng như một ngôn ngữ trung gian để các quốc gia khác nhau có thể giao tiếp với nhau.Ví dụ, ở Việt Nam, tiếng Anh được các doanh nhân người Thái hay người Nhật giao tiếp với nhau và giao tiếp với các doanh nhân người Việt. Những đặc trưng văn hóa gắn liền với thứ tiếng Anh mà các doanh nhân này dường như không hoàn toàn phù hợp theo tiêu chuẩn của người Anh bởi lẽ văn hóa của những người sử dụng tiếng Anh ở đây khác xa với văn hóa của người Anh bản địa. Điều quan trọng ở đây là văn hóa của người nói tiếng Anh như một ngoại ngữ chứ không phải văn hóa của những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ của mình. Các doanh nhân người Việt khi dùng tiếng Anh để giao tiếp với người Thái hay người Nhật sẽ cần phải quan tâm đến giá trị và chuẩn mực của người Thái và người người Nhật chứ không phải văn hóa phương Tây. Do vậy việc dạy và học tiếng Anh đòi hỏi phải có một cách nhìn mới: người học tiếng Anh không những phải biết về văn hóa của những người Anh mà còn phải được trang bị những kiến thức cơ bản về các nền văn hóa khác như văn hóa của người Nhật, người Thái, người Hàn Quốc, văn hóa các nước Đông Nam Á hay các nước khác trên thế giới. Cái mà họ thực sự cần chính là kiến thức về văn hóa của người mà họ tương tác và đương nhiên cả chuẩn mực văn hóa của người Anh và của chính nền văn hóa Việt. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự khác nhau về văn hóa dẫn đến sự khác nhau trong sử dụng ngôn ngữ trong một số dẫn chứng cụ thể sau đây.
- Trong chào hỏi: Người Việt Nam có cách chào nhau bằng việc đặt câu hỏi như “Bác đi đâu đấy?”, “Cô đang làm gì đấy?” “Chị ăn cơm chưa?” Hỏi mà không nhằm mục đích hỏi, không cần nghe câu trả lời, đó chỉ là một cách thức chào, không phải thực sự muốn biết người được hỏi đi đâu, làm gì, đã ăn cơm chưa. Khi trả lời người ta có đáp lại không chính xác hoặc không trả lời. Nếu dịch những câu trên ra tiếng Anh, tiếng Pháp thì nó lại là những câu hỏi thực sự chứ không phải là câu chào nữa. Ngược lại, trong tiếng Anh người ta có thể chào nhau là “Good morning”, “Good afternoon”, nếu dịch nghĩa sang tiếng Việt thì sẽ là chào buổi sáng, chào buổi chiều - người Việt không sử dụng cách chào như thế.
- Trong làm quen. Người Việt có thói quen ưa tìm hiểu tìm hiểu, quan sát và đánh giá những người mình mới tiếp xúc với những câu hỏi mang tính cá nhân về: tuồi tác, quê quán, trình độ văn hóa, tình trạng gia đình,… Nhưng điều này hoàn toàn trái ngược với người phương Tây, họ đề cao chuyện riêng tư của con người, coi như bất khả xâm phạm, nhất là về thu nhập, tuổi tác và tình trạng hôn nhân của phụ nữ. Người phương Tây khi làm quen thường khen nhau trẻ, đẹp, quần áo hợp thời trang, hoặc nói về thời tiết hay bàn về trận đấu thể thao vừa qua. Nếu hỏi về chuyện riêng của họ, họ sẽ cho mình là tò mò, hay dò tìm những điều bí ẩn của người khác làm cho họ thấy chán nản, thậm chí là tức giận.
- Cách xưng hô. Trong một ngôn ngữ cách xưng hô luôn biều lộ đặc trưng tâm lý, nếp suy tư và văn hóa của dân tộc đó. Trong tiếng Việt cách xưng hô rất phong phú và phức tạp. Ngoài các đại từ nhân xưng như: tôi, tao, tớ, mày, nó, hắn, chúng tôi, chúng tao,…còn có một phần lớn các danh từ để chỉ mối quan hệ họ hàng như: anh-em, bà-cháu, chú-thím, cậu-mợ,… Đấy mới chỉ là cách xưng hô của người miền Bắc, ở các vùng miền khác nhau, các dân tộc khác nhau còn nhiều cách xưng hô khác nữa mà chính những người Việt cũng không biết hết. Cách xưng hô này nói lên đặc điểm của văn hóa Việt Nam, chúng được ứng dụng tùy theo tình cảm của người nói và trường hợp cụ thể khi nói chuyện. Cùng tiếp xúc với một người có thể dùng những cặp xưng hô khác nhau như: anh-em, anh-tôi, ông-tôi, mày-tao, tùy từng trường hợp. Trái lại trong ngôn ngữ phương tây, cụ thể là tiếng Anh người ta chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng như: I, you, we, they, he, she.
- Lối khiêm tốn. Khiêm tốn là một đức tính, nhưng mỗi dân tộc thường có những cách thức riêng để tỏ ý khiêm nhường. Người Việt Nam thường tỏ ý khiêm nhường bằng cách tự hạ mình xuống. Ví dụ như trong một cuộc họp người ta có thể mở đầu như sau “ Trình độ của tôi còn hạn chế, tôi chưa chuẩn bị kỹ, nếu có chỗ nào sơ xuất mong quý vị thông cảm và bổ túc cho”.Nói như thế với người Việt Nam có thể được coi là lịch sự nhưng với người phương tây họ sẽ không hài lòng và cho rằng:” nếu trình độ yếu, chưa chuẩn bị kỹ thì nói làm gì?”. Người Á Đông không bao giờ tự khen, tự tâng bốc mình, e bị chê cười. Nhưng người phương tây lại cho rằng đó là chúng ta thiếu tự tin và tự tin không có nghĩa là tự khoe khoang. Khi tặng quà, người Việt thường nói giảm giá trị món quà dù món quà đó họ đã phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc mới mua được, họ cũng chỉ nói:”Đây là chút quà mọn, chẳng đáng bao nhiêu”. Ngược lại, khi tặng quà người phương tây thường nói rõ:”Món quà này tôi chủ ý mua bằng được, đây là hàng nổi tiếng hiếm có”. Họ cho rằng nói như thế mới tỏ tấm lòng chân thành của người tặng.
Qua một số dẫn chứng ở trên để thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa ngôn ngữ và văn hóa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu tìm hiểu văn hóa khi học và sử dụng ngoại ngữ.
Nói tóm lại, nếu xét về định nghĩa, khái niệm của văn hóa thì nó rất phức tạp, nó được nhìn nhận theo nhiều chiều hướng, dưới nhiều góc độ khác nhau. Khó có thể nói định nghĩa nào là đúng nhất,hay nhất hoặc bao trùm nhất trong hàng trăm định nghĩa đã và đang tồn tại. Nhưng xét một cách đơn giản có thể hiều văn hóa là những điều được thể hiện ngay trong những cách hành xử quen thuộc hàng ngày, là cách mà con người đối xử với nhau, với xã hội, với thiên nhiên môi trường và với chính bản thân mình. Văn hóa không phụ thuộc vào trình độ học vấn cao hay thấp mà là phụ thuộc vào nhận thức và suy nghĩ của mỗi người. Văn hóa và ngôn ngữ có sự gắn kết khó tách rời, văn hóa có vai trò vô cùng lớn lao trong dạy và học tiếng nước ngoài, muốn học tốt ngoại ngữ thì cần phải có sự am hiểu về văn hóa.

Your student
Khanh




TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bài giảng ”Ngôn ngữ và văn hóa”, PGs. Bùi Phương Việt Anh.
2. Con người, môi trường và văn hóa, Nguyễn Xuân Kính.
3. Vấn đề văn hóa trong dạy và học ngoại ngữ, PGs.TS Nguyễn Văn Độ.

Khanh.neu

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 01/09/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết