EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bài viết Ngôn ngữ và văn hóa- HUYEN LE THU-TN01E

Go down

Bài viết Ngôn ngữ và văn hóa- HUYEN LE THU-TN01E Empty Bài viết Ngôn ngữ và văn hóa- HUYEN LE THU-TN01E

Bài gửi  huyenle Tue Jan 11, 2011 11:43 am

Student 's name: Huyền Lê Thu
Class:TN01ELesson: 1 - Ngôn ngữ và Văn hóa.
Dear Mr Việt Anh!
This is my homework.
---------------------------------------------------------------------------------------------------

LỜI MỞ ĐẦU

Có thể nói, ngày nay khái niệm ngôn ngữ hay văn hóa đã trở nên rất quen thuộc với mỗi chúng ta.Khi xem tivi, báo , đài...hay thậm chí khi ra đường ta vẫn thường nghe những cụm từ như " thiếu văn hóa", vô văn hóa" , " gia đình văn hóa " .....
Đặc biệt là ngày nay khi vấn đề nói tục chửi bậy đã trở nên phổ biến mà đa phần là tầng lớp thanh niên, và khi ai đó bắt gặp thì thường nói ra một câu rất phổ biến , đó là " đồ vô văn hóa".
Vậy thì văn hóa mà người nói ở đây là gì? Và tại sao khi nghe những ngôn ngữ đó người ta lại có thể đánh giá ngay như thế? Những hành động , cử chỉ có được cho là ngôn ngữ? Liệu ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ không?..
Sau đây tôi xin được đưa ra một số ý kiến về vấn đề này.

I.NGÔN NGỮ
Có thể nói ngôn ngữ là sự đặc trưng nhất của mỗi quốc gia, dân tộc.Nó là sự biểu hiện ra ngoài rõ nét nhất của một dân tộc, quốc gia.Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra người nào đó là ai, đến từ đâu qua ngôn ngữ của họ.Vậy ngôn ngữ là gì?
Theo lý thuyết ngôn ngữ của Fedinan de Sausure thì "Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu nhiều tầng được người bản ngữ chấp nhận, ghi nhớ, hiểu và sử dụng trong khi giao tiếp với cộng đồng."
Tất cả con người (trừ những trường hợp bị bệnh đặc biệt) đều đạt tới sự tinh thông ở bất kỳ ngôn ngữ nào được nói (hoặc ra dấu, trong trường hợp ngôn ngữ dấu) xung quanh họ trong quá trình trưởng thành, với rất ít sự hướng dẫn có ý thức. Động vật khác không làm được như vậy. Do đó, có một tính chất bẩm sinh nào đó khiến cho con người có thể biết cách sử dụng ngôn ngữ. Không có một quá trình "di truyền học" rõ rệt nào gắn với sự khác biệt giữa các ngôn ngữ: một cá nhân có thể lĩnh hội được bất kỳ ngôn ngữ nào mà họ đã được tiếp xúc lâu dài trong môi trường sống khi còn bé, không phân biệt xuất xứ cha mẹ hay dân tộc của họ.
Và cũng như mọi ngành khoa học cơ bản khác, ngôn ngữ học bao gồm:
- Lý thuyết ngôn ngữ : tập trung vào nghiên cứu lý thuyết, cách tạo ra các cơ cấu diễn tả từng ngôn ngữ và các lý thuyêt cho tất cả các ngôn ngữ.
- Ngôn ngữ ứng dụng : sử dụng lý thuyết để giảng dạy sinh ngữ, sửa khuyết tật.
- Ngôn ngữ tự quản : nghiên cứu tính hướng nội của ngôn ngữ.
- Ngôn ngữ dựa vào hoàn cảnh : nghiên cứu tính hướng ngoại của ngôn ngữ, các tương tác của ngôn ngữ trong thế giới của con người.
Về cấu trúc của ngôn ngữ : Mặt nghĩa - Mặt âm, bao gồm :
- Ngôn ngữ âm học ( phonetics ) nghiên cứu các thể (aspeit) của âm.
- Âm vị học (phonology) nghiên cứu điển hình (pattern) của âm.
- Hình thái học (morphology) nghiên cứu bản chất cấu trúc của từ vựng.
- Cú pháp học (sytax) nghiên cứu thủ thuật xây dựng câu trong ngữ pháp.
- Ngữ nghĩa học (semantics) nghiên cứu ý nghĩa từ vựng học, thành ngữ học.
- Ngữ dụng học (pragmatics) nghiên cứu nghĩa đen- nghĩa bóng.
- Phân tích học (discourse analysis) phân tích ngôn ngữ trong văn bản.
Ngôn ngữ và tư duy là hai mặt không thể tách rời.Nó giống như hai mặt của một tờ giấy, không thể cắt mặt này mà không đồng thời cắt mặt kia, thống nhất nhưng không đồng nhất..Bởi chính trong nội tại ngôn ngữ là các hoạt động nghe - nói- đọc - viết.Và với hoạt động nào thì cũng cần đến sự tư duy.Giống như dân gian ta vẫn có câu " ăn có nhai, nói có nghĩ " thì ngôn ngữ chính là sự biểu hiện ra ngoài đặc trưng cho lối suy nghĩ, cách tư duy tiềm ẩn bên trong mỗi con người.

II.VĂN HÓA
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, và mỗi định nghĩa lại phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau.
Văn hóa là bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: khía canh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện, v.v... Cả hai khía cạnh cần thiết để làm ra sản phẩm và đó là một phần của văn hóa.
Như vậy, tổng thể lại ta có thể cho rằng " Văn hóa là cách hành xử của con người với con người, của con người với xã hội, của con người với thiên nhiên môi trường, của con người với chính bản thân mình.Và văn hóa tồn tại cả dạng vật chất và tinh thần."
Cấu tạo của văn hóa bao gồm :
- Văn hóa vật chất : làm ra phong cách riêng, tạo ra sản phẩm vật chất.
- Văn hóa tinh thần : cung cách ứng xử của người với người, người với thiên nhiên, con người với chính mình, con người với cộng đỗng xã hội.
- Văn minh tinh thần : Trình độ nhận thức và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cộng đồng
- Văn minh vật chất : trình độ cơ sở vật chất
Để có thể hiểu rõ hơn, ta minh họa theo hình sau:




Nhìn vào hình thì ta có thể thấy có khá nhiều các bộ phận tạo nên văn hóa.Nhưng cái mà chúng ta nhìn thấy, chỉ biểu hiện ra bên ngoài thì chỉ bao gồm : Food ( Đồ ăn, thức uống) ; Language ( ngôn ngữ) và Appearance ( Ngoại hình ) .Còn đa phần các bộ phận còn lại là nằm bên trong , được ẩn trong suy nghĩ, tư duy của mỗi con người.
Như vây để nhìn nhận về vấn đề văn hóa thì ta phải xem xét tổng thể chứ không thể nhìn vào những thứ được biểu hiện ra bên ngoài.

III.MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÔN NGỮ - VĂN HÓA- TƯ DUY
Văn hóa và ngôn ngữ có liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Người ta đã nói rằng ngôn ngữ và văn tự là kết tinh của văn hóa dân tộc, nhờ ngôn ngữ và văn tự để được lưu truyền và trong tương lai, nền văn hóa cũng nhờ vào ngôn ngữ để phát triển. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ lại luôn luôn đi song song với biến đổi và phát triển văn hóa. Vậy muốn nghiên cứu sâu về văn hóa phải nghiên cứu ngôn ngữ, và tất nhiên muốn đi sâu vào ngôn ngữ phải chú tâm đến văn hóa. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong trường hợp tiếp xúc giao thiệp văn hóa mà hai bên (khác dân tộc, khác quốc gia) có bối cảnh văn hóa khác nhau.Thông thường thì trình độ sử dụng một ngôn ngữ như một ngoại ngữ (khả năng nghe, nói, đọc và viết, mà nghe là quan trọng nhất) được quyết định bằng hai yếu tố: Sự am hiểu về ngôn ngữ đó và sự hiểu biết về kiến thức văn hóa trong bối cảnh của ngôn ngữ đó. Khi một người đã nắm được đầy đủ những kiến thức ngôn ngữ mà vẫn không giải thích thỏa đáng được ngoại ngữ là vì họ không có đủ kiến thức về bối cảnh của ngôn ngữ đó. Do sự khác biệt về óc thẩm mỹ, cách suy tư, quan niệm giá trị, đặc trưng tâm lý và tập quán của từng dân tộc, cách giải thích và diễn đạt cùng một sự vật cũng sẽ khác nhau. Cho nên có khó khăn hoặc có khi dẫn tới sự hiểu lầm trong tiếp xúc là lẽ đương nhiên.Và ta có thể thấy điều này rõ nét nhất trong ngôn ngữ, hay cách nói, cách tư duy của người Việt chúng ta với các nước phương Tây.Ở Việt Nam chúng ta thì thường có lối suy nghĩ vòng, tức là khi muốn nói tới điều gì thì sẽ không nói trực tiếp, mà sẽ đi vòng vo qua lại rồi mới dẫn đến điều cần nói.Nhưng ở Anh hay Mỹ thì khác, khi họ muốn gì họ sẽ nói thẳng.
Và tôi xin nêu một số trường hợp khá tiêu biểu cho mối quan hệ giữa ngôn ngữ - văn hóa và tư duy này:l. Chào hỏiNgười Việt Nam và người Á đông có thói quen (thói quen, tập quán là văn hóa) chào nhau bằng cách hỏi: ông ăn cơm chưa?; bác đi đâu đấy?; Bà đang làm gì đấy? Hỏi mà không cần nghe câu trả lời, đó chỉ là cách thức chào, không phải thật sự muốn biết người được hỏi ăn cơm chưa; đi đâu; hay đang làm gì. Khi trả lời, người ta có thể đáp lại một cách không đích xác, hoặc không trả lời. Nếu dịch những câu hỏi trên sang tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ là những câu hỏi rõ ràng, cần phải trả lời. Nếu chúng ta chào hỏi người Pháp người Mỹ những câu như thế có thể có sự hiểu lầm , vì họ chào nhau bằng những câu như: Bon soir, Good morning... Trái lại với chúng ta khi muốn chào như thế, chúng ta không cần phải nói rõ là chào buổi chiều, hay chào buổi tối2. Làm quen.Người Việt Nam và người Á Đông có thói quen ưa tìm hiểu quan sát và đánh giá người mình tiếp xúc. Tuổi tác, quê quán, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, mức thu nhập cá nhân, tình trạng gia đình. (Bố mẹ còn hay mất, đã lập gia đình chưa, đã có con chưa, mấy trai mấy gái. Nhũng câu hỏi về biography và background cho người đối diện luôn là những điều chúng ta quan tâm và đặt câu hỏi). Chúng ta hỏi những điều đó là xuất phát từ óc cộng đồng, tự thấy có trách nhiệm phải chú ý đến người khác, cần biết rõ người đối thoại. Nhưng thói quen ưa tìm hiểu này hoàn tòan trái ngược với người Tây phương. Người Âu Mỹ đề cao chuyện riêng tư của con người, coi như bất khả xâm phạm, nhất là về lương bổng và tuổi tác phụ nữ. Ở Mỹ, ngay cả trong mẫu đơn xin việc và trong các cuộc phỏng vấn nhận nhân viên, công nhân, không có quyền hỏi người đứng đơn về tình trạng gia đình. Người Tây phương khi làm quen thường khen nhau trẻ, đẹp, quần áo hợp thời trang, hoặc nói về thời tiết, hay bàn về trận đấu thể thao vừa qua.Nếu cứ hỏi người Tây phương về chuyện riêng của họ, họ cho mình là tò mò, hay dò tìm những điều bí ẩn của người khác và có thể họ sẽ chán nản, tức giận.3. Lời khen hay lời chê?Khoảng 30, 40 năm trở lại đây, phụ nữ Âu Mỹ rất sợ béo mập, vì béo mập là hình dáng không đẹp, lại là mầm mống cuả nhiều thứ bệnh. Trong khi người Á đông khen: béo tốt, tốt tướng, lên cân, bệ vệ thì người được khen hài lòng. Ngược lại khen như thế lại là lời sỉ mạ người được khen! Người Việt và người Trung Hoa có thói quen nói lớn tiếng ngoài đường phố, nơi công cộng. Trong khi đó người Âu, Mỹ thường nói chuyện vửa đủ nghe, tôn trọng bầu không khí yên tĩnh, tôn trọng người khác. Người Á đông vào những trường hợp ông, Bà, Cha, Mẹ nhận quà tặng của con cháu, nhận lời chúc mừng, nhận lời khen tặng, không cần phải cảm ơn. Các vị đó xem như con cháu có bổn phận phải làm như thế.Người Việt, có khi khen thật lòng, có khi lại khen mỉa mai, khen mà là chê. Ví dụ có người hỏi: Cô ấy, bà ấy đẹp nhỉ, người đối thoại sẽ trả lời: Đẹp? Đẹp thật à? À, đẹp thật, đẹp chín nghìn ! Hoặc dùng ca dao: Đẹp như con tép kho tương! Trái lại khi khen một đứa bé bụ bẫm thì dùng hình thức chê, vì e sợ mụ quở, sợ ma quỷ bắt đứa bé đi: "Ấy cháu nó xấu xí lắm, nó hư lắm." Có nghĩa là cháu nó bụ sữa lắm! Cháu nó ngoan lắm! Nếu dịch lời chê rồi giải nghĩa cho người Âu Mỹ hiểu đó là lời khen thì họ phải cố hiểu mới hiểu nổi.4. Cách xưng hôTrong một ngôn ngữ, cách xưng hô luôn luôn biểu lộ đặc trưng tâm lý, nếp suy tư và văn hóa của dân tộc đó. Trong tiếng Việt cách xưng hô rất phong phú và phức tạp. Ngoài các đại từ nhân xưng như: tôi tao, tớ, mày, nó, hắn; chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, chúng nó, bọn hắn còn có một số lượng lớn các danh từ chỉ liên hệ họ hàng như: anh - em, bà - cháu, chú – cháu... để thay thế cho đại từ nhân xưng và những danh từ này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng. Hệ thống xưng hô này nói lên đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Chúng được ứng dụng tùy theo tình cảm của người phát biểu và trường hợp cụ thể khi nói chuyện. Cùng tiếp xúc một người, người ta có thể dùng những cặp từ xưng hô khác nhau như : anh- em, anh - tôi, ông -tôi, mày - tao tùy theo từng trường hợp. Trái lại trong ngôn ngữ Tây phương và cách nói phổ thông của Trung Hoa chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng như: I, You, he, she, Hán ngữ thì ngã, nhĩ (ngổ, nỉ).Nếu so sánh các danh từ chỉ liên hệ họ hàng trong các ngôn ngữ, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khác nhau có khi thú vị, khôi hài và kỳ lạ. Ví dụ trong tiếng Việt cháu (trai, gái) chỉ người thế hệ sau, nhưng không phải là con, gồm: con của con; con của anh, chị và em. Trong tiếng Anh cũng có grand child, nephew và niece. Nhưng nếu dạy tiếng Việt cho người Anh, Mỹ thì cháu lại có thể là con, có thể là tôi nữa. Ví dụ hỏi một thanh niên: Anh đã có cháu nào chưa?; hay nói; Thưa các cụ, cháu không dám ạ!Như vậy cách xưng hô nói lên những đặc trưng bối cảnh văn hóa xã hội của từng ngôn ngữ, cần được nghiên cứu bằng kết hợp văn hóa và ngôn ngữ.
5. Lối khiêm tốn.Khiêm tốn là một đức tính, nhưng mỗi dân tộc thường có cách thức riêng để tỏ ý khiêm nhường. Người Việt Nam và Á đông thường tỏ ý khiêm tốn bằng cách tự khiêm, là tự hạ mình xuống. Ví dụ trong một cuộc họp, người Á đông thường mở đầu bằng mấy câu như sau: "Trình độ của tôi không bằng ai, tôi chưa chuẩn bị kỹ, nếu có chỗ nào tôi sơ xuất thì mong quý vị thông cảm và bỏ qua cho" Nói như thế là lịch sự. Nhưng người Tây phương sẽ không hài lòng và phản ứng: nếu trình độ yếu, chưa chuẩn bị kỹ thì nói làm gì?" Họ không hiểu rằng khi nói thế chỉ là cách nhún mình thôi, thật ra người ấy rất giỏi, và chuẩn bị hết sức kỹ càng. Người Á Đông không bao giờ tự khen mình tự tâng bốc mình, e bị chê cười. Trái lại người Tây phương cho rằng chúng ta thiếu tự tin, và tự tin không có nghĩa là tự khoe khoang. Khi tặng quà, người Việt thường muốn giảm giá trị món quà, dù món quà đó họ đã bỏ ra nhiều công sức tiền bạc mới mua được. Họ chỉ nói "Đây là chút quà mọn chẳng đáng gì bao nhiêu". Nói thế để người nhận quà yên lòng. Người Âu Mỹ thì trái lại. Khi tặng quà họ thường nói rõ: Món quà này tôi đã có chủ ý đi mua cho bằng được, hoặc là:" Đây là hàng nổi tiếng, hiếm có". Người phương Tây cho rằng nói thế mới tỏ lòng chân thành.Lối tự khiêm còn thể hiện ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ. Vi dụ: "Ông lại chơi nhà chúng tôi; Ông cho tôi món quà" nhưng lại nói để nâng cao giá trị người đối thoại: "Tôi xin lại thăm ông bà"; "Tôi xin biếu ông bà món quà mọn".
Những điểm nói trên cho thấy yếu tố văn hóa có vai trò quan trọng trong giao thiệp, tiếp xúc đặc biệt là trong tiếp xúc văn hóa. Đây cũng là vấn đề ngôn ngữ và vấn đề bối cảnh văn hóa. Chú tâm đến khía cạnh văn hóa khi nghiên cứu ngôn ngữ là cần thiết và là cách tìm hiểu mới, một địa hạt mới trong ngôn ngữ học.




KẾT LUẬN
Như vậy ta có thể thấy ngày nay ngôn ngữ và văn hóa đóng vai trò rất quan trọng và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời.Qua đó, ta cũng tự rút ra cho mình những điều bổ ích, để làm sao mỗi hành động, mỗi cử chỉ , mỗi lời nói khi chúng ta nói ra đều thể hiện rằng chúng ta là người có văn hóa.Có như vậy ta mới có thể nhanh chóng khẳng định mình để có thể tự tin luôn là người đi đầu trong mọi lĩnh vực.

Tài liệu tham khảo :
Bài giảng Ngôn ngữ Văn hóa - PGs Bùi Phương Việt Anh
Định nghĩa "Ngôn ngữ" và " Văn hóa " - Từ điển Wikipedia.org
Một số website thông tin khác.

huyenle

Tổng số bài gửi : 2
Join date : 09/01/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết