EAS VIETNAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TN18C_Language and culture_Hanh Tran Bich_August 12th 2010

Go down

TN18C_Language and culture_Hanh Tran Bich_August 12th 2010 Empty TN18C_Language and culture_Hanh Tran Bich_August 12th 2010

Bài gửi  hanh89hn Fri Aug 13, 2010 8:28 pm

Student's name: Hanh Tran Bich
Class: TN18C
Hanoi, 12/08/2010

Dear Mr Viet Anh
This is my homework.

Văn hoá
1. Mở đầu:
“Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con ngươì, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngữơng: Văn hóa đem laị cho con ngươì khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lí tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lí. Chính nhờ văn hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tưụ của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vươt trội lên bản thân”(Tuyên bố về những chính sách văn hóa – Hội nghị quốc tế UNESCO chủ trì năm 1982 tại Mêhico).
Như vậy, văn hóa không phải là một lĩnh vực riêng biệt. Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Văn hóa là chià khoá của sự phát triển.
2. Các thành tố của văn hóa:
2.1. Giá trị:
Mỗi một nền văn hoá đều có một hệ thống giá trị chung, được xây dựng dưạ trên sự thống nhất của những thành viên trong cộng đồng đó. Vì thế có thể coi giá trị như một yếu tố trung tâm, là sản phẩm của một nền văn hóa. Sự phong phú trong quan niệm về văn hóa là một trong những nguyên nhân tạo nên sự đa dạng xung quanh thuật ngữ giá trị. Tựu chung nhất thì giá trị là kết quả của hoạt động đánh giá từ phía chủ thể (con người).
Giá trị ở đây có thể quy chiếu vào mối quan tâm, thích thú, sở thích, bổn phận, trách nhiệm, nhu cầu, những ác cảm, những lôi cuốn. Có thể coi giá trị là những quan niệm về cái đúng, có ảnh hưởng tới hành vi lựa chọn. Thông thường giá trị thường mang sắc thái tình cảm vì nó biểu thị những gì mà nó cần thấy phải bảo vệ. Các giá trị khi được nhận thức một cách công khai đầy đủ thì nó sẽ trở thành tiêu chuẩn cho sự yêu thích, lựa chọn và phán xét. Đối với mỗi cá nhân, cộng đồng giá trị chính là cái mong muốn, đang có, được mọi người yêu thích và có thể coi như kim chỉ nam để hướng dẫn hành động của mình. Tóm lại có thể hiểu các giá trị chính là những quan niệm về cái có ý nghĩa được chia sẻ trong cộng đồng xã hội.
Nhìn nhận dưới góc độ xã hội học, giá trị có tính chất hướng dẫn và lựa chọn. Vì vậy khi nó chỉ ta những cái gì là phù hợp, cái gì là không phù hợp với cá nhân, với cộng đồng, với xã hội thì đồng thời chúng cũng chấp nhận những kiểu hành vi nào đó và phủ nhận những hành vi khác. Giá trị được thực hiện thông qua hành động của các vai trò xã hội, kiến tạo “sự đồng thuận xã hội”.
Các giá trị phần lớn được con người tiếp nhận từ thời thơ ấu thông qua gia đình, bạn bè, thông tin đại chúng và các nguồn khác của xã hội; là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Thông qua hành động của cá nhân chúng ta có thể đoán định được giá trị mà người đó tôn thờ. Tuy nhiên nhiều khi giá trị và hành động không nhất quán với nhau. Ngoài ra, mỗi xã hội có các thang giá trị khác nhau và trong đời sống xã hội, mỗi hành vi ứng xử của con người được coi như một sự lựa chọn trong đó ẩn dấu động cơ giá trị, mỗi sản phẩm văn hóa được tạo ra đều chứa đựng giá trị xã hội nào đó. Trong cuộc sống, các giá trị luôn có khả năng mâu thuẫn với nhau. Mặt khác, nó cũng giúp xác định phương hướng hành động cho phù hợp với lý tưởng nhưng nó chưa chỉ ra cho mọi người biết phải hành động như thế nào trong mỗi tình huống cụ thể. Giá trị mang tính tương đối, tính cộng đồng và đóng vai trò điều tiết nội bộ cộng đồng ấy. Nó thống nhất hành vi xã hội như thế nào thì cũng chia rẽ hành vi xã hội thế ấy.
2.2. Chuẩn mực:
Theo từ điển xã hội học, “chuẩn mực là qui tắc hành vi có giá trị phổ biến mà việc tuân thủ nó được những thành viên khác của xã hội trông đợi và thừa nhận”. Theo quan điểm xã hội học dưới góc độ văn hóa, chuẩn mực là những cách thức hành động tồn tại và tư duy được xác định, phê phán xã hội.
Chuẩn mực được diễn ra trước hết là ở gia đình, sau đó là nhà trường, xã hội. Chuẩn mực xã hội bắt nguồn từ giá trị xã hội, nó là sự hiện thực hóa trong xã hội các giá trị trong đời sống xã hội bằng cách đặt ra hệ thống quy tắc hướng dẫn hành động cho mọi người. Chuẩn mực chính là sự cụ thể hóa các giá trị, bổ sung và làm hoàn thiện các giá trị. Trên thực tế không phải lúc nào các chuẩn mực cũng hòa hợp với nhau mà có thể mâu thuẫn với nhau. Kiến thức về chuẩn mực và sự chấp nhận chuẩn mực sẽ tăng lên trong diễn biến của quá trình thiết chế hóa. Chuẩn mực có thể được xem như cầu nối giữa các giá trị và hoàn cảnh hành động đặc thù. Khi tham gia vào một tổ chức xã hội mỗi thành viên cần phải tiếp nhận và tuân theo những chuẩn mực của tổ chức đó đặt ra. Khi con người không tiếp nhận, không tuân theo thì có nghĩa là cá nhân đó tự tách ra khỏi nhóm hay tổ chức xã hội đó.
Nhóm hay tổ chức tồn tại được là nhờ một hệ thống giá trị, chuẩn mực do các cá nhân trong nhóm hay tổ chức đó xây dựng nên. Hơn nữa, phạm vi của chuẩn mực rất rộng, từ những quy tắc chặt chẽ nhất cho đến những quy định lỏng lẻo giữa một số người với nhau.
2.3. Biểu tượng:
Biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, bằng con vật sống động hay bằng đồ vật, nó biểu hiện một điều trừu tượng , nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó.
Biểu tượng được tạo nên bởi trí tưởng tượng của con người. Nó ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và chuyên chở những giá trị của xã hội vào đời sống con người. Nó là cầu nối giữa thế giới ý niệm và thế giới hiện tại bằng cách đưa cái vô hình, vô hạn , vô khả thi vào cái hữu hình, hữu hạn, khả tri, làm cho con người có thể cảm nhận được thế giới ý niệm. Vì thế biểu tượng chính là hình ảnh biểu trưng.
Biểu tượng khi xuất hiện lập tức tự động gợi ra một ý nghĩa, một ý tưởng không tính đến lý do sản sinh ra sự tương quan, không cần nhờ vào sự suy luận và được giới hạn phạm vi trong cộng đồng văn hóa chấp nhận sự tương quan đó. Biểu tượng có một giá trị lớn đối với nhóm, với cộng đồng và đối với xã hội, nó có quyền lực tập hợp, hay nói một cách khác biểu tượng là xã hội tính.
Biểu tượng bao giờ cũng là tín hiệu hai mặt: cái biểu thị và cái được biểu thị. Các thời kì lịch sự khác nhau, mỗi dân tộc, thậm chí mỗi giai cấp, mỗi nhóm xã hội khác nhau…thì những biểu tượng mà nó mang vác cũng khác nhau.
Biểu tượng tác động trực tiếp đến các giác quan gây nên trong tâm hồn người những rung động khoái cảm về chúng, bởi chúng tồn tại ở nhiều dạng, hình ảnh khác nhau. Thông qua biểu tượng, biểu trưng và các hệ thống biểu trưng mà các lợi ích đạt được nhiều nhất khi chúng tham gia và việc tạo ra các sản phẩm biểu trưng hoàn toàn đứng vững được một mình như các tác phẩm văn học nghệ thuât, các nghi lễ…và một tập hợp các biểu nghĩa mà mỗi cá nhân, nhóm, cộng đồng, văn hóa có thể hiểu, diễn giải, đánh giá, phê bình hoặc biến đổi chúng. Và những biểu tượng – sản phẩm của biểu trưng chính là ly do
tồn tại tối hậu cho các hệ thống của chúng.
2.4. Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ là một tổ hợp biểu tượng quan trọng, một hệ thống giao tiếp, sử dụng âm thanh hoặc các biểu tượng khác nhau có ý nghĩa được quy định. Ngôn ngữ là một trong những biểu hiện cơ bản để phân biệt giữa người và các loại động vật khác. Ngôn ngữ có thể không chính xác và khó hiểu nhưng nó vẫn là yếu tố chủ chốt trong chuyển giao văn hóa.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng chỉ có con người khi tư duy mới có khả năng sang tạo và sử dụng ngôn ngữ. Con người truyền tải ngôn ngữ cho nhau thông qua quá trình tương tác xã hội. Vì thế có thể nói ngôn ngữ có tính xã hội.
Mỗi dân tộc có một loại ngôn ngữ đặc trưng của riêng mình. Có rất nhiều cách chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm cho nhau nhưng chỉ có ngôn ngữ là công cụ linh hoạt nhất, chính xác nhất cho phép chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá khứ, hiện tại thậm chí có thể như một thông điệp để gửi đến tương lai. Thông qua ngôn ngữ, người ta mới có thể giải thích được những giấc mơ của mình, sự tưởng tượng của mình – những điều liên quan đến thực tế. Con người có được nhận thức sâu sắc, chính xác về thực tế hay không là nhờ vào ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một công cụ được truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó được coi như một nhân tố trung tâm của văn hóa.
3. Vận dụng các thành tố của văn hóa để xem xét những biến đổi của văn hóa gia đình trong giai đoạn đổi mới ở nước ta hiện nay:
Gia đình là một nhóm cộng đồng xã hội đăch thù dựa trên quan hệ cơ bản: hôn nhân và huyết thống. Gia đình cũng là một hiện tượng văn hóa và là một giá trị văn hóa của con người, của mọi xã hội người. Do vậy, văn hóa gia đình là văn hóa của một nhóm xã hội đặc thù.
Văn hóa gia đình là tổng thể các giá trị, chuẩn mực, thị hiếu, truyền thống mang đặc trưng riêng mà mọi thành viên gia đình cùng tiếp nhận và chia sẻ với nhau trong đời sống chung. Văn hóa gia đình có mối quan hệ mật thiết với văn hóa của các nhóm xã hội khác như làng xã, tộc người, dân tộc và nhân loại. Khi văn hóa của các cộng đồng ấy biến đổi thì văn hóa gia đình cũng có sự biến đổi. Trong 20 năm đổi mới vừa qua, văn hóa Việt Nam có nhiều biến đổi đã làm cho văn hóa gia đình Việt Nam cũng biến đổi theo.
Sự biến đổi văn hóa gia đình ở đây chính là sự biến đổi của các phương thức, trình độ, kĩ năng của gia đình trong các lĩnh vực đó. Người ta có thể chia văn hóa gia đình theo hệ thống giá trị của nó: giá trị cấu trúc, giá trị chức năng và giá trị tâm linh.
Vận dụng quan điểm của nhà nghiên cứu Pháp Giăng La-đơ-rie về văn hóa cộng đồng thì có thể phân chia cơ cấu văn hóa gia đình thành bốn phần. Bộ phận thứ nhất của văn hóa gia đình là hệ giá trị gia đình. Giá trị ở đây được hiểu là quan niệm về điều ao ước, mong muốn bộc lộ hay ngầm ẩn của một cá nhân, hay một nhóm có ảnh hưởng trực tiếp tới việc lựa chọn các phương thức, phương tiện hay mục tiêu hành động. Hệ giá trị của những gia đình khác nhau sẽ định hướng cho cuộc sống của các gia đình tới những mục tiêu khác nhau. Bộ phận thứ hai của văn hóa gia đình là các thiết chế gia đình, tức là các loại hình và quy mô gia đình. Hệ thống thiết chế được quy định bởi hệ thống giá trị văn hóa gia đình, tức là phải tổ chức gia đình theo quy mô, loại hình nào để thực hiện được những giá trị định hướng của gia đình. Bộ phận thứ ba của văn hóa là hệ thống chuẩn mực của gia đình như chuẩn mực quy định quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ với con cái, quan hệ anh – em, chị - em…Hệ thống chuẩn mực gia đình cũng bị chi phối bởi hệ thống giá trị văn hóa gia đình. Bộ phận thứ tư của văn hóa gia đình là hệ thống biểu hiện. Hệ thống này cũng do giá trị định hướng của gia đình quy định, bộc lộ dưới dạng nếp sống của gia đình. Nó chính là hình thái ngoại hiện của văn hóa gia đình. Bốn bộ phận ấy làm nên một cơ cấu văn hóa gia đình mang tính tổng thể, tính đồng nhất.
Sự biến đổi trong đời sống xã hội, trong đó có gia đình Việt Nam diễn ra ở tất cả các thành tố của văn hóa gia đình nhưng tôi xin đề cập đến hai thành tố cơ bản là giá trị và chuẩn mực văn hóa gia đình.
3.1. Sự biến đổi của hệ giá trị văn hóa gia đình:
Trong bối cảnh đổi mới đất nước, khi thang bậc giá trị xã hội có sự biến đổi thì một loạt giá trị văn hóa gia đình cũng biến đổi và dần định hình phù hợp với hoàn cảnh xã hội mới. Giá trị định hướng là giá trị giữ vai trò nền tảng của gia đình, là mục tiêu mà gia đình hướng đến. Chúng có vai trò cố kết các thành viên của gia đình phấn đấu cho mục tiêu chung. Chúng còn là niềm ao ước vươn tới của mọi người trong gia đình và có tác động như một động lực tinh thần thôi thúc mọi người hành động. Nhìn chung, trong giai đoạn đổi mới của đất nước vừa qua nhiều giá trị của gia đình đang có xu hướng biến đổi tích cực mang tính nhân văn, nhân bản hơn như giá trị hòa thuận vẫn được duy trì, giá trị bình đẳng, tôn trọng mọi thành viên trong gia đình cũng được nhiều người quan tâm. Chúng là cơ sở tạo nên tổ ấm gia đình, bảo đảm cho sự phát triển hài hòa cho mọi thành viên và các thế hệ trong gia đình.
Song trong đời sống gia đình hiện nay, nhiều giá trị mới và cũ đang có sự giằng co quyết liệt để khẳng định, chẳng hạn giá trị dân chủ và giá trị uy quyền thứ bậc. Quan niệm về hạnh phúc của gia đình cũng có nhiều biến đổi, được mở rộng hơn và xuất hiện những tiêu chí mới như các thành viên trong gia đình quan tâm chăm sóc lẫn nhau và mọi thành viên trong gia đình thành đạt trong sự nghiệp. Các tiêu chí mới vừa mang tính truyền thống, vừa tiếp thu tinh thần của xã hội hiện đại đã tác động đến gia đình và làm biến đổi các giá trị cổ truyền của văn hóa gia đình. Chẳng hạn chức năng duy trì nòi giống vẫn được coi là một giá trị văn hóa gia đình, sinh con vẫn là chức năng cơ bản của gia đình nhưng không muốn có nhiều con. Đây là một sự thay đổi quan trọng trong quan niệm của các bậc làm cha, làm mẹ về hạnh phúc gia đình, về chất lượng sống, về chất lượng con người phản ánh trình độ văn hóa, trình độ nhận thức của gia đình hiện nay. Tuy vậy cũng có một số người có quan niệm mới mẻ nhưng chưa phổ biến trong xã hội ta hiện nay là lập gia đình không nhất thiết phải có con .
Trong quan niệm của hầu hết người Việt Nam thì lấy chồng lấy vợ là câu chuyện tất yếu xảy ra đối với những người trưởng thành thì một số ít người lại có hành vi chối bỏ hôn nhân và gia đình hoặc sống chung không cần kết hôn, đặc biệt là việc li thân, li hôn đã tăng lên. Đó cũng là biến đổi tiêu cực trong văn hóa gia đình hiện đại. Hiện tượng người Việt Nam lấy chồng nước ngoài, loại trừ một số người do tình yêu, còn nhiều trường hợp do ý thức về kinh tế quyết định. Có thể xem đó là kết quả của xu hướng tiêu cực trong quan niệm và thực tiễn hôn nhân của một bộ phận người Việt Nam trong xu thế mở cửa hiện nay.
Một số giá trị phái sinh cũng xuất hiện và được tiếp nhận trong văn hóa gia đình. Chẳng hạn giá trị cá nhân, giá trị giới tính (con trai, con gái) hay giá trị số lượng và chất lượng trong việc sinh sản và nuôi dạy con cái. Nếu như trước đây “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” thì hiện nay đã có sự thay đổi lớn trong chuyện hôn nhân của giới trẻ “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Giá trị cá nhân được đề cao trong việc quyết định li hôn, người phụ nữ chủ động hơn trong hạnh phúc của mình và ý thức được về quyền của họ trong hôn nhân. Ngoài ra, việc xuất hiện quan điểm “không nhất thiết phải có chồng mới có con” không chỉ phản ánh tinh thần của cuộc cách mạng nữ quyền mới, do xã hội hiện đại tạo ra mà còn là hậu quả của chiến tranh để lại và cũng là do quá trình tập trung nữ giới vào các khu công nghiệp biệt lập, thiếu sự cân bằng giới tính hiện nay. Giá trị về giới tính của con cái cũng có nhiều thay đổi, vị thế của con trai, con gái trong thái độ của cha mẹ không còn thiên lệch “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” như ngày xưa nữa.
Việc thờ cúng tổ tiên được coi như một chuẩn mực hành xử quan trọng của văn hóa gia đình, quy định thái độ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ đã mất. Tổ tiên là một giá trị tâm linh, thiêng liêng nên bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất. Nếu so với thời bao cấp trước đây thì giá trị thiêng liêng của việc thờ cúng tổ tiên đã được phục hồi trong các gia đình. Thời bao cấp do điều kiện kinh tế khó khăn, do những nhận thức sai lầm mà việc thờ cúng không được quan tâm, bàn thờ tổ tiên được thay bằng bàn thờ Tổ quốc. Ngày nay, việc trở lại tôn thờ tổ tiên của các gia đình mang ý nghĩa nhận bản sâu xa và góp phần củng cố gia đình, tôn vinh những gì là thiêng liêng không vụ lợi của văn hóa gia đình Việt nam truyền thống. Chỉ có một số biến đổi ở hình thức biểu hiện của việc thờ cúng tổ tiên.
3.2. Sự biến đổi chuẩn mực văn hóa gia đình:
Chuẩn mực trong văn hóa gia đình là hệ quy tắc ứng xử cụ thể, chúng dẫn dắt hành vi của con người trong các quan hệ gia đình cho phù hợp với những giá trị cơ bản của gia đình, nên được quan niệm như hệ thống hành động trong văn hóa gia đình.
Chuẩn mực văn hóa trong quan hệ vợ chồng thể hiện ở hai phương diện chủ yếu: bình đẳng về địa vị, chung thủy giữa vợ và chồng. Về vị thế người chủ gia đình, tuy người đàn ông vẫn được coi là người chủ gia đình nhưng trong gia đình Việt Nam hiện đại, quan niệm về người chủ gia đình rất đa dạng, phản ánh tính đa dạng của các loại hình gia đình. Chủ gia đình có thể là người đàn ông/ người chồng, người phụ nữ/ người vợ hay cả hai vợ chồng cùng làm tùy thuộc vào phẩm chất, năng lực và đóng góp của họ trong gia đình cụ thể. Làm chủ gia đình không chỉ do điều kiện kinh tế, hay tập quán mà do trình độ văn hóa mở mang tầm mắt quyết định. Điều đó phản ánh sự phát triển trong nhận thức của phụ nữ về địa vị của họ trong gia đình đã thay đổi cũng là sự biến đổi của văn hóa gia đình hiện nay.
Về địa vị kinh tế của vợ chồng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ chế thị trường cùng với những chính sách của nhà nước làm thay đổi quan hệ giữa vợ và chồng về quyền sở hữu những tài sản lớn trong gia đình, theo xu hướng phụ nữ ngày càng có nhiều quyền sở hữu hơn. Vai trò của người phụ nữ và gắn với nó là sự bình đẳng giữa vợ và chồng thể hiện rõ rang hơn trong sản xuất kinh doanh ở đô thị - nơi mà văn minh công nghiệp hóa, văn minh thương nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ hơn và cũng là nơi có trình độ dân trí cao hơn.
Chuẩn mực chung thủy là một chuẩn mực hang đầu trong quan hệ vợ chồng. Phần lớn đều không chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Cuộc điều tra Gia đình Việt Nam cho biết số người không chấp nhận tình dục ngoài hôn nhân cao nhất là người cao tuổi và vị thành niên. Lí do là họ sợ những hậu quả có thể xảy ra như tan vỡ hạnh phúc gia đình, tác động tiêu cực tới truyền thống văn hóa. Tuy vậy, quan niệm về sự chung thủy cũng đã có những biến đổi. Những người sống ở thành thị, người có học vấn cao thường cởi mở hơn so với người ở nông thôn và có học vấn thấp. Đây là vấn đề rất tế nhị nhưng ngày nay nhiều người đã công khai thừa nhận, không còn e ngại nữa.
Giá trị con cái có ý nghĩa như là mục đích vốn có của hôn nhân gia đình. Đồng thời, nó còn được xem như phương tiện để thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau của đời sống về kinh tế, về an sinh khi tuổi già, hoặc sự liên tục và kéo dài của gia đình, của dòng họ. Trong xã hội truyền thống, đông con đồng nghĩa với nhiều của. Hiện nay, ỏ một góc độ khác, giá trị này cũng có biến chuyển nhất định. Quan niệm con cái là nguồn lao động giúp đỡ gia đình không còn là yếu tố hàng đầu. Vẫn là giá trị con cái nhưng người ta quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh tinh thần của giá trị, tức là nguồn thỏa mãn các nhu cầu tình cảm của cha mẹ. Điều này phản ánh một quá trình thay đổi hành vi sinh đẻ của các vợ chồng, với dạng chuyển từ gia đình đông con sang ít con và sự phổ biến của các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Bên cạnh đó, có một sự thống nhất cao từ nhận thức đến thái độ, hành động của con cái đối với cha mẹ, mà trên hết vẫn là những tình cảm thể hiện long yêu thương và sự biết ơn. Ở một chiều cạnh khác, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng có những biến động nhất định. Trước đây, trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái thường chỉ có sự tác động một chiều từ cha mẹ đối với con cái. Hiện nay, việc truyền thụ các giá trị văn hóa giữa các thế hệ mang tính hai chiều, từ thế hệ trước sang thế hệ sau và ngược lại. Đặc biệt, một số lĩnh vực liên quan đến những tri thức hiện đại như áp dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa thì quá trình truyền ngược lại diễn ra phổ biến.
Như vậy, chúng ta có thể thấy được văn hóa gia đình Việt Nam đã và đang biến đổi dưới tác động của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước. Sự biến đổi đó không chỉ khác với văn hóa gia đình thời bao cấp (trước năm 1986) mà còn khác với văn hóa gia đình xã hội cổ truyền (trước năm 1945) nữa.

Tài liệu tham khảo:
1. Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Quốc Vượng (chủ biên).
2. Dân tộc học đại cương – Lê Sĩ Giáo (chủ biên).
3. Xã hội học văn hóa – TS. Mai Thị Kim Thanh.
4. Tạp chí văn hóa dân gian số 5/2008.
5. Xã hội học gia đình – TS. Lê Thái Thị Băng Tâm.
6. Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Ngọc Thêm.
7. Xã hội học dân số - TS. Nguyễn Thị Kim Hoa.

Your student
name: Hanh Tran Bich.


hanh89hn

Tổng số bài gửi : 5
Join date : 13/08/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết